Trong công văn hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 vừa ban hành chiều 24/6, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại - mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 và đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Công văn được ban hành trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng ở nước ta đang chậm lại, có tình trạng tồn đọng vaccine COVID-19 tại tuyến trung ương và một số địa phương, dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ. Nguyên nhân là do nhiều người dân trì hoãn, không muốn tiêm nhắc vaccine do đã mắc Covid hoặc do chủ quan khi thấy dịch đã giảm.
Theo các chuyên gia y tế, việc trì hoãn tiêm chủng sẽ tước đi cơ hội được bảo vệ liên tục trước dịch bệnh, nhất là khi Omicron đang tiếp tục biến thể và tạo nên làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều nước trên thế giới.
Để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm mũi 4. Sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine này như thế nào? Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO trao đổi cùng PV VOV2:
PV: Nước ta và nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm mũi 4. Xin bác sĩ cho biết hiện đã có nghiên cứu nào cho thấy có thể giảm tỷ lệ mắc Covid-19 và chuyển nặng ở nhóm đã tiêm mũi 4 chưa, thưa BS?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Những dữ liệu chúng ta có đầu tiên chỉ tập trung cho những đối tượng có nguy cơ cao, tức là những người suy giảm miễn dịch, những người có bệnh lý nền, đối với những nhóm này thì việc tiêm mũi 4 có thể giúp họ giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ chuyển nặng cũng như là giảm nguy cơ họ phải nhập viện để được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ hô hấp. Trong một khoảng thời gian dài hơn 3 năm qua thì các bằng chứng tiếp theo cũng đã củng cố thêm nhận định về việc chúng ta tiêm mũi thứ tư cho những người không có bệnh lý cũng có thể làm giảm các nguy cơ mắc bệnh giống như những người có bệnh lý nền. Đồng thời một số nghiên cứu cho thấy, việc chúng ta duy trì trạng thái miễn dịch thu được nhờ tiêm vaccine ngoài cải thiện sức khỏe, phần nào đó cũng có hiệu quả đối với các chủng virus biến đổi hay còn gọi là biến chủng sẽ lưu hành cũng như đang lưu hành một số nơi trên thế giới.
PV: Bộ Y tế nước ta đã có hướng dẫn người trên 50 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nên tiêm mũi 4. Theo bác sĩ sự cần thiết của mũi 4 đối với nhóm này như thế nào?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Hiện nay chúng ta đang triển khai rộng rãi việc bao phủ ba mũi tiêm đối với tất cả mọi người dân. Tuy nhiên, đối với những đối tượng như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh lý nền đặc biệt là các bệnh lý nội khoa như tim mạch, gan thận, hô hấp...cần phải tiêm mũi thứ tư. Bởi đây là những đối tượng có tình trạng miễn dịch tương đối yếu. Miễn dịch yếu thì khi họ tiếp xúc với vaccine, nồng độ kháng thể cũng như là việc huy động các tế bào miễn dịch trong cơ thể không tốt như những người bình thường. Do đó, cần phải tiêm vaccine để làm cơ thể được kích thích tạo ra miễn dịch chủ động đối phó lại với Covid-19. Hơn nữa, do tình trạng miễn dịch của họ yếu hơn so với người khỏe mạnh thì việc tiêm mũi 4 sẽ tạo ra một trí nhớ miễn dịch đủ để có thể phòng tình trạng tái nhiễm hoặc là mắc mới và có thể phần nào đó phòng được các biến chủng đang lây lan trong cộng đồng.
PV: Nhiều người thuộc nhóm được khuyến cáo nên tiêm mũi 4 lo ngại, nếu tiêm nhiều mũi vaccine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ví dụ như dễ bị suy giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, khả năng tình dục…Theo bác sĩ, những lo ngại này có cơ sở khoa học không?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Theo tôi thì các lo ngại này không có bằng chứng khoa học. Bởi vì chúng ta biết rằng khi mà số lượng người được tiêm chủng được tăng lên hàng triệu thậm chí là hàng tỷ người thì xác suất về các biến cố bất lợi hoặc là những biến cố không mong muốn có thể gia tăng. Khi đó chúng ta sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa việc xuất hiện một số các biến cố nhất định với tác dụng không mong muốn hay là các phản ứng có hại của vaccine. Điều đó là không chính xác. Chúng ta nên nhìn nhận thế này, đối với những người được tiêm vaccine mũi thứ tư, bản thân họ đã là những người có bệnh lý nền thì sự xuất hiện của các biến cố sau khi họ tiêm, khả năng cao là một sự xuất hiện ngẫu nhiên chứ chúng ta không có bằng chứng cho thấy có sự liên quan hay là có các mối quan hệ nhân quả giữa việc tiêm vaccine với sự xuất hiện các biến cố vừa kể trên.
PV: Bức tranh toàn cảnh về Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới tại thời điểm này là một thực tế nhắc nhở chúng ta chưa thể chủ quan với Covid-19 và dù là biến thể nào thì vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ quan trọng nhất, thưa BS?
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Chúng ta phải nhìn nhận rằng hiện nay vaccine chính là cứu cánh tốt nhất, có hiệu quả cao nhất. Vaccine Covid-19 có thể làm giảm từ 90-95% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân, không một thuốc kháng virut nào nếu sử dụng đơn độc có thể đạt được hiệu quả cao như vaccine Covid-19. Cho nên là vaccine vẫn là chiến lược quan trọng nhất của tất cả các quốc gia để phòng dịch. Nếu chúng ta so sánh một cách phổ thông thì sẽ thấy rằng, một biện pháp can thiệp có khả năng điều trị khỏi cũng như có khả năng phòng ngừa được tới 90-95% nguy cơ tử vong thì tôi nghĩ rằng chắc chắn chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp đó để bảo vệ tính mạng của mình và những người thân trong gia đình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!