Đề xuất Bộ Y tế cấp thêm 5,5 triệu liều vaccine trong thời gian tới

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ đầu đợt tiêm thứ 5 cho tới nay (không bao gồm số lượng tiêm tại các cơ quan y tế trung ương trên địa bàn TP, được cấp vaccine trực tiếp từ Bộ Y tế), TP. Hồ Chí Minh đã tiêm cho 1.301.662 người. Trong đó, 207.297 người trong nhóm 65 tuổi trở lên và có bệnh lý nền.

"Các loại vaccine đang cấp phép sử dụng tại TPHCM (Astrazeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell) đều ghi nhận tỷ lệ hiệu quả bảo vệ khá giống nhau. Theo đó, những người tiêm đủ 2 liều có thể có tỷ lệ nhỏ mắc lại COVID-19 nhưng tỷ lệ trở nặng rất thấp, tỷ lệ tử vong gần như bằng 0. Đó là lý do quan trọng để đẩy mạnh tiêm vaccine trên toàn TP”, Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Hơn 1.300 ca bệnh nặng, áp lực cho các cơ sở điều trị là rất lớn

Số ca nhiễm trong cộng đồng thống kê từ ngày 27/4 đến nay là 108.370 trường hợp.

Hiện nay, tại TP. HCM có 193 cơ sở cách ly F0, phân bố tại TP. Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng 1 với 53.617 giường. Từ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế TP. HCM, từ tầng 2 trở đi (trong mô hình tháp điều trị 5 tầng), trên địa bàn TP có 55 cơ sở (bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng 1 phần hoặc toàn bộ sang điều trị COVID-19). Cụ thể, tầng 2 có 16 bệnh viện dã chiến thu dung, tầng 3 gồm 20 bệnh viện, tầng 4 có 15 bệnh viện và tầng 5 gồm 4 bệnh viện.

Số lượng người cần điều trị và chuyển nặng đều tăng, trong khi nguồn lực và cơ sở vật chất có hạn, dẫn đến áp lực ngày càng lớn. Trong đó, tầng 3 và 4 của tháp điều trị là tầng chịu áp lực lớn nhất.

Để giải quyết vấn đề này, TP đang tập trung tổ chức lại, phối hợp tốt hơn, cải tiến quy trình để mở rộng không gian tiếp nhận, bên cạnh đó liên thông các tầng để tối ưu việc điều trị. Những giải pháp được cập nhật hàng ngày, không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực tiếp nhận điều trị tại các cơ sở.