Theo số liệu được Bộ Y tế công bố tối 9/2, các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM ghi nhận có 3 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các trường hợp trên đều là những bệnh nhân nặng, nguy kịch được chuyển đến từ Long An (2 ca) và Bình Phước (1 ca). Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, địa bàn TP.HCM không có ca tử vong vì COVID-19.

Tuy nhiên, số ca mới mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng nhanh sau thời gian giảm sâu trong kỳ nghỉ Tết. Ngày 8/2 thành phố ghi nhận 116 ca mắc mới thì sang ngày 9/2 số ca bệnh đã tăng lên 219 trường hợp.

Dự báo, những tuần tới dịch COVID-19 tại TP.HCM sẽ tiếp tục gia tăng khi người dân từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc sau kỳ nghỉ dài. Sự giao lưu, tiếp xúc nhiều là một trong những nguy cơ khiến dịch COVID-19 gia tăng mức độ lây nhiễm.

Trước tình hình trên, ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước mọi nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, chủ động tiêm vaccine khi đến lượt. Những người dân từ các địa phương khác đến thành phố sau Tết Nguyên đán cần chủ động khai báo để được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi theo quy định.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tập trung triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Sở Y tế đề nghị các địa phương không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm và đối tượng chưa tiêm đầy đủ vaccine theo quy định.

Các đội đặc nhiệm phòng chống COVID-19 sẽ phải giám sát, hỗ trợ quận, huyện và có cảnh báo sớm cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương khi phát hiện nguy cơ hoặc dấu hiệu cảnh báo bùng phát dịch bệnh trên địa bàn để chủ động giải pháp can thiệp, khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, phòng xét nghiệm có xét nghiệm COVID-19 tăng cường rà soát, sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 đến khám tại bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch.

Khi phát hiện ca có dấu hiệu nghi ngờ biến chủng Omicron (qua xét nghiệm RT-PCR), các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo ngay đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để thực hiện điều tra, xác minh và gửi mẫu thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen theo quy định.