Nhằm kiểm soát dịch Covid-19 trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh, bên cạnh việc giám sát chặt chẽ đối với người đến từ vùng dịch, Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo các địa phương phối hợp tổ chức tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người từ tỉnh, TP khác về cư trú trên địa bàn.
Theo đó, các đơn vị, bộ phận quản lý dân cư của địa phương phải phổ biến rộng rãi chủ trương về việc tiêm phòng Covid-19 cho người trở về TP, hướng dẫn cách thức cụ thể để người dân chưa được tiêm chủng đầy đủ đăng ký tiêm vaccine ngay khi về nơi cư trú.
Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức kết hợp xét nghiệm tầm soát Covid-19 khi người dân đến đăng ký tiêm vắc xin, đặc biệt người dân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ.
Chuyển danh sách đăng ký tiêm vaccine về trạm y tế phường, xã thị trấn để kiểm tra thông tin tiêm chủng bằng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. “Nếu xác định người dân chưa được tiêm vaccine đầy đủ thì lập kế hoạch tổ chức tiêm”, văn bản của Sở Y tế TP.HCM nêu rõ.
Nếu số lượng đăng ký nhiều hoặc tập hợp theo cùng cơ sở, sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức tiêm tập trung tại các điểm lưu động của địa phương. Nếu người dân đăng ký riêng lẻ, bố trí tiêm tại trạm y tế trên địa bàn nơi cư trú, đảm bảo người dân được tiêm vaccine sớm nhất để quay lại làm việc, sinh hoạt một cách an toàn.
Văn bản cũng nhấn mạnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Sở Y tế TP.HCM cũng giao Trung tâm y tế quận, huyện TP. Thủ Đức phối hợp phòng y tế tham mưu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phương án phù hợp để tổ chức tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19 cho người dân từ tỉnh, TP khác trở về. Sở cũng yêu cầu báo cáo CDC TP về nhu cầu vaccine để được cấp phát đầy đủ.
Sở Y tế TP.HCM giao CDC TP cung ứng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng sinh phẩm xét nghiệm và vaccine Covid-19 của các trung tâm y tế.