PV: Thưa bà, TP. HCM là địa phương đầu tiên tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Hiện nay, các địa phương khác đã lên danh sách các cháu trong độ tuổi để sẵn sàng đầu tháng 11 sẽ đồng loạt tiêm chủng trên cả nước. Trước thông tin này nhiều bố mẹ vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Bà có thể chia sẻ gì về điều này?

TS Đặng Thị Thanh Huyền: Tâm lý e dè khi xem xét việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho con là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên là những người làm công tác tiêm chủng, chúng tôi chứng kiến những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và có lẽ những ông bố bà mẹ ở TP HCM là người hơn ai hết hiểu điều này. Vì vậy, việc phòng ngừa cho con mình khỏi hiểm họa Covid-19 và những biến chứng nghiêm trọng của bệnh là điều quan trọng nhất so với hiện nay.

Vaccine phòng Covid-19 đã được nhiều quốc gia tập trung nghiên cứu và phát triển từ hơn 1 năm và đến nay hàng chục loại vaccine đã được đưa vào sử dụng. Những công nghệ mới nhất được đưa vào để có thể đáp ứng về hiệu quả và cả số lượng vaccine trên toàn cầu. Các vaccine hiện nay đang lưu hành đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Quản lý thực phầm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.

Gần đây nhất, cách đây 2 ngày FDA đã tiến hành phê duyệt việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đó là những dữ liệu để chúng ta cân nhắc về tính an toàn khi tiêm vaccine cho trẻ em tại VN.

PV: 3 ngày trước Bộ Y tế đã công bố loại vaccine sẽ tiêm cho trẻ em ở nước là là vaccine Pfizer BioNTech. Bà có thể thông tin rõ hơn về loại vaccine này, đặc biệt khi tiêm trên đối tượng là trẻ em dưới 18 tuổi?

TS Đặng Thị Thanh Huyền: Vaccine Pfizer BioNTech được cấp phép và lưu hành ở nhiều quốc gia. Vaccine Pfizer BioNTech mới đây cũng đã được cấp phép đầy đủ để sử dụng cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi.

Hiện hàng chục quốc gia đã sử dụng vaccine này. Số lượng tiêm chủng lớn đó đã chứng minh tính an toàn của vaccine ở người lớn và cả trẻ em.

Với trẻ em từ 12-17 tuổi, khi sử dụng vaccine Pfizer BioNTech sẽ dùng cùng cùng hàm lượng với người lớn và lịch tiêm là mỗi mũi cách nhau từ 3 đến 4 tuần. Trong trường hợp trẻ từ 5 đến 11 tuổi thì hàm lượng thấp hơn, nhưng hiện nay nước ta chưa triển khai ở nhóm tuổi này.

PV: Có những thông tin báo cáo về phản ứng viêm cơ tim sau tiêm vaccine Pfizer BioNTech. Điều này cũng đang khiến nhiều người lo lắng?

TS Đặng Thị Thanh Huyền: Chúng ta không thể hướng đến mục tiêu zero Covid mà cần phải chung sống hòa bình, để tiếp tục các sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động kinh tế. Và chúng ta cũng cần phải nói rằng không có thuốc, vaccine nào an toàn 100%, ngay cả sử dụng thực phẩm cũng có rủi ro.

Vì thế, việc tiêm vaccine nói chung không loại từ vaccine Covid-19 có một tỷ lệ phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, vaccine khi được đưa vào lưu hành đã qua thử nghiệm lâm sàng và đã có hàng trăm triệu liều được tiêm trước đó.

Số liệu đến nay chúng tôi cập nhật từ WHO thì lợi ích của vaccine Covid-19 mang lại trong phòng chống bệnh cũng như biến chứng nặng của bệnh của cả người lớn trẻ em vượt xa rất nhiều so với rủi ro tiềm tàng có thể gặp phải. Tôi dùng từ có thể trong trường hợp này. Bởi như vaccine Pfizer BioNTech, tỷ lệ trẻ sau tiêm gặp biến chứng viêm cơ tim là từ 2 đến 6 trường hợp trên 1 triệu liều.

Nhưng chúng ta cần đặt con số này bên cạnh dữ liệu về việc vaccine có thể bảo vệ lây nhiễm Covid-19 đến 90%, phòng bệnh không trở nặng trên 90% và phòng tử vong lên đến 99%.

Điều đó có nghĩa là tỷ lệ biến chứng là có, nhưng rất thấp.

PV: Như vậy cũng có nghĩa là quy trình tiêm quyết định rất lớn đến sự an toàn của trẻ?

TS Đặng Thị Thanh Huyền: Đúng vậy. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở, cán bộ y tế tham gia tiêm chủng phối hợp với các bố mẹ: đánh giá bệnh nền của con, xem xét các yếu tố về sức khỏe trước khi tiêm.

Các trường hợp bệnh cấp tính đang tiến triển, một số trường hợp nằm trong nhóm tạm hoãn, chống chỉ định phải khai thác triệt để. Và các bố mẹ có thể chia sẻ tiền sử bệnh của con với cán bộ y tế và nhà trường.

Tại các điểm tiêm, chúng tôi cũng thực hiện sàng lọc tiêm chủng và đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc cấp cứu cho các trường hợp phản ứng sau tiêm. Các điểm đều có thuốc, phương tiện, có đội cấp cứu nếu trường hợp phản ứng sau tiêm.

Mặc dù phản ứng nặng sau tiêm là rất hiếm nhưng chúng tôi luôn luôn sẵn sàng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

PV: Để đảm bảo việc tiêm chủng an toàn, ngoài sự cẩn trọng và các phương án kỹ càng từ các lực lượng y tế, các gia đình có thể giúp gì cho con mình, thưa bà?

TS Đặng Thị Thanh Huyền: Trẻ sau khi tiêm thì cần phải ở lại điểm tiêm chủng 30 phút vì các phản ứng xảy ra thì thường là hay xảy ra trong 30 phút đầu tiên. Lúc này, các nhân viên y tế có thuốc và các trang thiết bị để xử trí kịp thời.

Ngoài ra, bố mẹ phải tiếp tục theo dõi sức khỏe cho con từ 7-28 ngày. Thường những tai biến xuất hiện trong khoảng 3 ngày đầu tiên, nhưng cũng ghi nhận một số trường hợp trong 7 ngày.

Vì vậy nếu có những biểu hiện như: nhìn mờ, đau bụng, khó thở, nghẹt thở, tím tái, nổi mẩn, đau các chi, phù mặt, đau ngực… gia đình cần thông báo với cán bộ y tế và đưa ngay đến cơ sở y tế.

Một lưu ý nữa, trẻ em thường rất hay nghịch ngợm, vui chơi và hay hoạt động. Có một tai biến thường gặp là viêm cơ tim, vì vậy, nhà sản xuất cũng có khuyến cáo là sau tiêm cần vận động ở mức độ vừa phải để hạn chế rủi ro cho trẻ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!