TS Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống về an toàn thực phẩm tại các địa phương trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Hùng Long: Thông tin tuyên truyền để người dân hiểu về an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì chuyện ăn uống liên quan đến cái gọi là truyền thống, cũng có những thói quen tốt nhưng cũng có những thói quen xấu. Vậy thì, với những thói quen xấu, những hành vi không đảm bảo, chúng ta phải tuyên truyền để làm sao thay đổi. Tất nhiên, không phải cứ một sớm, một chiều là thay đổi được những thói quen xấu. Cho nên theo tôi, tuyên truyền là công tác cần phải thực hiện kiên trì, liên tục và đa dạng. Cho nên vai trò của truyền thông là vô cùng to lớn trong vấn đề an toàn thực phẩm và chúng ta cũng biết rằng có những hành vi mà có khi phải hết năm này qua năm khác, tuyên truyền liên tục thì người ta mới có chuyển biến.

PV: Tuy nhiên, gần đây đã có những vụ ngộ độc quy mô khá lớn và ảnh hưởng đến nhiều người cùng một lúc tại một số tỉnh, thành phố, tại các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp khiến người dân lo lắng về hiệu quả của cách thức truyền thông. Vậy, ông chia sẻ gì về điều này?

Ông Nguyễn Hùng Long: Đúng là gần đây có xảy ra một số vụ mà cũng có thậm chí tử vong nhưng phải nói nếu so với 10 năm trước đây thì giảm rất nhiều. Trước đây, mỗi năm có khoảng 400-500 vụ ngộ độc, xong dần giảm xuống khoảng 300 vụ. Bây giờ chỉ vài chục vụ xảy ra trong một năm. Tất nhiên, trước kia có những vụ ngộ độc lớn với khoảng 500-700 người, bây giờ tuy cũng có những vụ như thế nhưng trước hết chúng ta phải xác định, không có ngộ độc thì có lẽ sẽ vô cùng khó. Bởi vì liên quan đến ý thức, nhiều khi không cố ý, không chủ quan, rất cẩn thận mà vẫn có thể xảy ra những sự việc đáng tiếc. Dịch vụ ăn uống là nơi nhạy cảm nhất, dễ có nguy cơ ngộ độc nhiều nhất, đặc biệt là dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, buôn bán nhỏ lẻ và bếp ăn tập thể. Có khá nhiều yếu tố tác động đến, thứ nhất liên quan đến kinh tế, tức là nếu mua đồ ngon, tốt thì nó đắt, nên là mua đồ rẻ mà đồ rẻ ắt có nguy cơ cao. Thứ hai là về bảo quản, nếu bảo quản không tốt sẽ dễ nhiễm vi sinh. Vấn đề thứ ba là chế biến, những người chế biến mà chủ quan, không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước không sạch, quá trình chế biến, nấu nướng lại không kỹ cũng mang lại nguy cơ. Vấn đề thứ tư là bảo quản sau khi nấu, chế biến không đảm bảo, ví dụ như nấu xong rồi để ở ngoài nhiệt độ thường, không đậy, rồi có khi trời nóng quá dễ bị ôi thiu…. Cho nên tôi nhấn mạnh, truyền thông chỉ để nhắc nhở người kinh doanh về ý thức để người ta thay đổi. Ví dụ, người chế biến cần phải đảm bảo vệ sinh, cần phải đeo khẩu trang, cần phải theo các quy định trong quá trình chế biến, bảo quản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không phải ai cũng thực hiện, có những người mới tham gia vào cũng chưa nắm được, do vậy thực hiện không tốt… Cho nên, truyền thông chúng ta vẫn cứ phải làm liên tục. Đồng thời thanh tra, kiểm tra nơi mà chúng ta thấy có nguy cơ để có thể giảm thiểu ngộ độc. Truyền thông là một biện pháp nhưng lại phải từ từ thế nhưng mà thanh tra kiểm tra, phải tức thời để chấn chỉnh những hành vi không đảm bảo. Chúng ta hy vọng rằng sẽ giảm dần dần các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, việc công khai các cơ sở vi phạm hoặc phổ biến các chế tài xử phạt thì theo ông chúng ta nên làm thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Long: Thủ tướng đã có 2 chỉ thị rồi, đều nói tới vai trò của các cơ quan quản lý và đặc biệt nhấn mạnh việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, các vụ việc vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện, các cơ quan quản lý đều có các trang web do vậy, khi có vi phạm, xử lý xong đều đăng tải trên đó hết. Ví dụ người dân khi truy cập vào trang web của Cục An toàn thực phẩm đều có thể đọc được các thông tin về các vụ vi phạm, phương thức xử lý…. Chế tài xử lý bây giờ cũng khá cao chứ không phải thấp. Bởi vì các sản phẩm vi phạm anh bán được 4 tỷ đồng thì cũng bị xử phạt hành vi vi phạm ít nhất bằng số tiền anh đã bán được sản phẩm. Cho nên mức xử phạt rất lớn vài tỷ đồng là chuyện bình thường… Công bố các thông tin về vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều bắt buộc.

PV: Việc tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong tình hình mới phải thực hiện như thế nào cho trúng và đạt hiệu quả cao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Chúng tôi có rất nhiều chương trình. Ví dụ trên truyền hình cung cấp các thông tin trên các trang mạng lừa đảo trong vấn đề bán hàng online, sản phẩm quảng cáo quá mức chẳng hạn. Hiện, trên mạng có rất nhiều quảng cáo, cơ quan quản lý như cơ quan Cục cử một nhóm thường xuyên phải vào các trang mạng, thấy chỗ nào quảng cáo sai, quảng cáo quá mức chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp lên để lập biên bản. Tôi cho rằng, đây là một trong những cái mới cần tập trung hơn, cần quan tâm hơn để kiểm soát. Và bây giờ, cơ quan công an rồi cơ quan quản lý thị trường sẽ phải vào cuộc nhiều hơn trước đây vì hàng giả, hàng nhái nhiều hơn. Các địa phương cũng vậy thôi. Nên tập trung vào những cơ sản xuất nhỏ và dịch vụ ăn uống bởi vì đấy là những nơi có nguy cơ cao gây ngộ độc. Phải tập trung tuyên truyền cho người sản xuất những người kinh doanh các nhà hàng, dịch vụ ăn uống để làm sao biết và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn trong vấn đề lựa chọn, bảo quản, sơ chế, chế biến để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền cho người tiêu dùng làm sao biết để chọn được những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt…. Cho nên tôi cho rằng, tùy theo các địa phương mà có những nhóm thực phẩm nguy cơ để chúng ta tập trung tuyên truyền cho người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!