Thế giới tennis vẫn không thay đổi, dù thế giới hàng ngày đang bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Những giải quốc tế, đặc biệt là Grand Slam, chỉ thu hút sự chú ý của NHM khi có sự hiện diện của 1 hoặc 2 hoặc cả 3 tay vợt nam kỳ cựu: Novak Djokovic, Roger Federer và Rafael Nadal.

Nhưng, điều các nhà tổ chức một giải Grand Slam lo ngại không phải là ai và khi nào sẽ kế thừa ngai vàng của mấy “ông già gân”, mà là quan ngại về những khán đài trống vắng sẽ khiến điều kiện tài chính không còn cho phép họ tổ chức sự kiện trở lại.

Các giải tennis chuyên nghiệp đã ngừng hoạt động trong 5 tháng vào năm 2020, trước khi các nhà tổ chức giải đấu thiết lập bong bóng an toàn sinh học cho VĐV và nhân viên hỗ trợ, trong khi buộc phải “xua” NHM tránh xa các sân vận động.

Quãng gián đoạn đã ngắn lại và ít nghiêm trọng hơn vào năm 2021. Nhưng các giải đấu, ngoại trừ sự thay đổi ở Australia Open vào tháng 2, vẫn tiếp tục được tổ chức, với số lượng NHM được vào sân hạn chế tới mức tối đa.

Khán giả thưa thớt.

Sân đấu im ắng.

Trọng tài không cần ra hiệu lệnh cho NHM im lặng để VĐV giữ tập trung.

Bầu không khí của các trận đấu nói riêng, giải đấu nói chung, trở nên tẻ nhạt. Quan trọng hơn, chính các VĐV đánh mất nguồn năng lượng bổ sung từ các khán đài.

Và trên hết, các nhà tổ chức sự kiện cảm thấy rõ ràng nhất tác động nghiêm trọng tài chính, khi giải đấu không có khán giả.

Các giải đấu của ATP phải gánh chịu khoản lỗ từ 60- 80 triệu USD vào năm ngoái, do ảnh hưởng bởi các trận đấu bị hủy vào phút chót.

Doanh thu bán vé bằng 0. Tiền bán đồ lưu niệm bằng 0. Giảm 30% tiền tài trợ!

Và, với gánh nặng chi tiêu gia tăng cho các quy trình y tế, nó đã dẫn đến việc giảm số tiền thưởng xuống 50% so với mức trước đại dịch.

"Với tất cả những ước tính mà chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có thể duy trì trong năm nay", Chủ tịch ATP Andrea Gaudenzi nói với Reuters.

Gaudenzi cho biết doanh thu tài trợ giảm trung bình khoảng 30% kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Herwig Straka, một trong ba thành viên của hội đồng quản trị ATP đại diện cho các chủ sở hữu giải đấu, cho biết câu hỏi: Có nên tiếp tục tổ chức các sự kiện- không khán giả hay không có thể đi đến một quyết định kinh doanh!?

Straka nói: “Đó là việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa đủ số tiền thưởng cho người chơi, đặc biệt là cho những người chơi có thứ hạng thấp hơn, với việc tồn tại sự kiện ngay lúc này và để các giải đấu tiếp tục trong tương lai.

"Và rõ ràng đối với các giải đấu nhỏ, thách thức này cao hơn. Vì vậy, không chỉ với tư cách là một doanh nghiệp mà còn là một môn thể thao, chúng tôi chắc chắn cần khán giả trở lại sớm hơn ... chúng tôi không thể tồn tại nếu không có khán giả".

Bắt buộc và thích hợp

ATP dự kiến chi tới 5,2 triệu đô la - chủ yếu được lấy từ tổng tiền thưởng cho 12 tay vợt xếp hàng đầu vào cuối mùa giải - để tăng tiền thưởng tại các sự kiện của mình cho đến Wimbledon.

Trước đó, WTA đã phải tài trợ toàn bộ số tiền thưởng là 565.530 đô la cho người mở màn mùa giải ở Abu Dhabi từ quỹ của chính mình.

"Việc giảm mức tiền thưởng áp dụng cho năm 2021 không phải là điều mà bất kỳ ai cũng muốn thấy", Giám đốc điều hành WTA Steve Simon nói.

"Tuy nhiên, với việc xử lý các luồng doanh thu bị tổn hại từ việc bán vé và tài trợ, việc cắt giảm là bắt buộc và phù hợp".

Trước khi rút lui sớm khỏi sự kiện WTA 1000 diễn ra vào tuần này ở Dubai, tay vợt số 5 thế giới Elina Svitolina cho biết tiền thưởng giảm cũng có thể ảnh hưởng đến động lực thi đấu của các tay vợt.

Những tay vợt Mỹ, như John Isner và Reilly Opelka, tỏ ra… “kém ngoại giao” hơn. Gần đây họ chỉ trích ban lãnh đạo ATP không cắt giảm lương, trong khi các tay vợt bị giảm tiền thưởng rõ rệt.

Gaudenzi nói rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ATP vẫn theo dõi để đưa ra mức tiền thưởng năm 2021 vào khoảng 180 triệu USD, trước khi thừa nhận thấp hơn 23% so với năm 2019.

“Đó vẫn chưa phải là một kết quả tồi tệ, nếu xét đến những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt”, ông này nhấn mạnh và khẳng định thêm rằng hầu hết các nhà tổ chức giải đấu “sẽ rất vui khi hòa vốn vào năm 2021”.

Với việc vắc-xin chống lại coronavirus bắt đầu được tung ra, các ông chủ quần vợt hy vọng rằng những hạn chế đối với khán giả sẽ bắt đầu được nới lỏng.

Simon của WTA cho biết: “Nếu công thức ‘giải không có khán giả’ kéo dài trong tương lai thì người ta phải tái cấu trúc cách thức thể thao nói chung sẽ được tiến hành”.

"Chúng tôi đang bắt đầu thấy một con đường để NHM quay trở lại ở các cấp độ hạn chế khi năm 2021 tiến triển và hy vọng sẽ có một động thái quan trọng đối với các SVĐ đầy đủ khán giả vào năm 2022".