Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2020 được coi như cuộc rà soát, đánh giá năng lực các vận động viên để chuẩn bị cho các giải quốc tế. Tại giải đấu này, giới chuyên môn đã chứng kiến một cuộc “lật đổ” ngoạn mục, khi vận động viên trẻ Nguyễn Phương Kim (sinh năm 1999) đã vượt qua kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (sinh năm 1984) để giành Huy chương vàng nội dung kiếm 3 cạnh. Gần 10 năm gắn bó với đấu kiếm, Phương Kim mới hoàn thành ước mơ giành huy chương vàng ở giải vô địch quốc gia. Cùng với Nguyễn Phương Kim, kiếm thủ Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1998) cũng gây bất ngờ lớn khi đã giành chiến thắng trước chính HLV của mình là Hạ Thị Sen để giành tấm huy chương đồng.
Nguyễn Thị Như Hoa và Hạ Thị Sen là hai trong số những VĐV kỳ cựu của đấu kiếm Việt Nam và đều là những VĐV số 1 khu vực Đông Nam Á ở nội dung kiếm ba cạnh nữ. Trong đó, Nguyễn Thị Như Hoa đã từng tham dự Thế vận hội Olympic Rio 2016. Do vậy, chiến thắng của Nguyễn Phương Kim và Nguyễn Thị Trang trước các đàn chị được giới chuyên môn đánh giá là sự trưởng thành toàn diện của thế hệ mới.
Ông Phạm Anh Tuấn, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia khẳng định, những gương mặt trẻ như Nguyễn Phương Kim hay Nguyễn Thị Trang chính là thế hệ chủ lực ở các kỳ SEA Games sắp tới. Trang và Kim là lứa VĐV được đào tạo từ 8 đến 10 năm, dự kiến chuẩn bị cho SEA Games 32 vào năm 2023. Song, các em đã sớm khẳng định được trình độ, cho thấy sự chuyển giao thế hệ đang đi đúng hướng.
Còn theo ông Phùng Lê Quang, quản lý bộ môn đấu kiếm (Tổng cục Thể dục - Thể thao), những kết quả bước đầu mà lứa VĐV trẻ này đạt được đã giúp đấu kiếm Việt Nam tự tin giành lại vị thế số 1 khu vực. Trong năm 2021, Tổng cục Thể dục - Thể thao đặt mục tiêu cho đội tuyển đấu kiếm Việt Nam là phải giành vé tới Olympic Tokyo 2021 và giành từ 5 đến 6 Huy chương vàng tại SEA Games 31. Đây là mục tiêu không dễ dàng nhưng hoàn toàn có cơ sở và để đạt được mục tiêu này, đấu kiếm Việt Nam phải rất nỗ lực, vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các VĐV hoàn toàn phải tập “chay”, không được thi đấu cọ xát trong suốt thời gian dài vừa qua. Cùng với đó là tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả đội tuyển quốc gia cũng như ở các địa phương, khiến các tuyển thủ khó duy trì phong độ. Với mức kinh phí đầu tư khá khiêm tốn, chỉ đủ cho 3 đến 4 VĐV trọng điểm tham dự giải quốc tế mỗi năm, bài toán phát triển các nhân tố trẻ thực sự là vấn đề khó.
Trong khi đó, vài năm gần đây, đấu kiếm Việt Nam đã cảm nhận rõ sự phát triển mạnh mẽ của đấu kiếm các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Các nước này liên tiếp đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài; trong đó có Hàn Quốc, đầu tư trang thiết bị đến mức tối đa cho VĐV và đương nhiên, VĐV được liên tục đi thi đấu quốc tế. Đấu kiếm Việt Nam lại thiếu những điều này, dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngay ở Đông Nam Á.
Việc sở hữu những tay kiếm trẻ tiềm năng như hiện nay là tín hiệu đáng mừng đối với đấu kiếm Việt Nam. Tuy nhiên đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để các tài năng trẻ này phát huy hết khả năng của mình thì phải có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ hơn từ ngành thể thao.