Đoàn thể thao Việt Nam đến Nhật Bản với 18 VĐV / 17 suất. Tối 02/08, VĐV duy nhất còn thi đấu là Quách Thị Lan tranh tài ở bán kết 400m rào nữ, nhưng gần như chắc chắn không có cơ hội tranh chấp huy chương. Đoàn Việt Nam sẽ rời Thế vận hội lần này trong cảnh “trắng tay’.
"Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Ccovid- 19, song không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới. Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn. Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1.500m từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn. Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV” - ông Trần Đức Phấn chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thành tích của các VĐV chưa như mong đợi.
Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo không đạt được kỳ vọng. Trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (Taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực. Tất nhiên, một số VĐV vẫn để lại dấu ấn. Tay vợt cầu lông Nguyễn Thị Thùy Linh (cầu lông) giành 2 chiến thắng và xếp nhì vòng bảng, sau tay vợt số một thế giới. Võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương vào vòng 1/8 hạng dưới 57kg, VĐV Quách Thị Lan trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào bán kết môn điền kinh ở Olympic. Rowing (Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo) đạt thành tích tốt nhất trong 3 lần tham dự Olympic.
Ông Trần Đức Phấn cho biết, sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL để giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể giành huy chương Olympic.
“Với thành tích mà mà các VĐV của đoàn Thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic lần này, chúng ta càng thấy rõ về giải pháp đầu tư trọng điểm cho các VĐV để một cho đến hai chu kỳ Olympic nữa, chúng ta sẵn sàng đến Thế vận hội để tranh chấp huy chương. Chứ không như bây giờ, chúng ta đang trong giai đoạn đầu tư mà còn nhiều vấn đề, liên quan đến công tác chuẩn bị cũng như đầu tư cho thể thao Việt Nam. Và những hạn chế thiếu sót đấy, thời gian qua đã được các cơ quan truyền thông và các chuyên gia thể thao góp ý. Về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn ghi nhận, cảm ơn và sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian sắp tới đây.” – ông Trần Đức Phấn bày tỏ.
Dự kiến, ngày 4/8, các đội tuyển Boxing, Cầu lông, Bắn cung, Bơi, Điền kinh cùng các cán bộ, bác sĩ, phóng viên Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 sẽ lên đường trở về nước. Trước đó, các VĐV, HLV ở 6 đội tuyển Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng, Judo, Rowing và một số cán bộ đã về nước từ ngày 30/7.