Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử các kỳ Olympic

Olympic Tokyo 2020 đã phải hoãn lại một năm do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Olympic Tokyo 2020 cũng đánh dấu mốc là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất nhất từ trước tới nay với 33 môn với 339 nội dung. Ngoài ra, cũng xuất hiện 15 nội dung thi đấu mới ở các môn đã có từ trước. Có tổng số 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 11.000 vận động viên và thành viên các đoàn tham dự, hứa hẹn những trận thi đấu, so tài hấp dẫn trong suốt thời gian diễn ra. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử, những trận đấu được mong chờ sẽ diễn ra mà không có khán giả.

Những kỷ lục bị phá vỡ

Olympic Tokyo 2020 có đến 20 kỷ lục thế giới bị phá. Riêng môn chèo thuyền, có 5 thành tích tốt nhất thế giới được thiết lập. Có 3 kỷ lục thể giới được thiết lập ở môn điền kinh. Ba kỷ lục thế giới khác diễn ra ở nội dung đua xe đạp lòng chảo. Trên đường đua xanh có tới 6 kỷ lục thế giới điển hình là "Kình ngư" người Mỹ - Caeleb Dressel, mang về cho đội tuyển bơi Mỹ tới 5 tấm Huy chương Vàng, trong đó có 4 kỷ lục Olympic. Bắn súng và môn leo tường lần đầu ra mắt Olympic cũng chia nhau 1 kỷ lục thế giới. Ở môn cử tạ, lực sĩ người Georgia - Lasha Talakhadze lập 3 kỷ lục thế giới chỉ trong 1 hạng cân 109kg nam, bao gồm cử đẩy, cử giật và tổng cử.

Những kỳ tích xuất hiện

Ở nội dung điền kinh của Olympic 2020, có nhiều kỷ lục thế giới mới được thiết lập, trong đó có 1 kỷ lục Olympic bị phá lần đầu tiên sau 33 năm ở nội dung chạy 100m của nữ. Với thành tích 10,61 giây, VĐV Jamaica Elaine Thompson-Herah không chỉ bảo vệ thành công chiếc HCV ở Rio 2016 mà còn phá luôn kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm do cố nữ VĐV huyền thoại Florence Griffith Joyner (Mỹ) thiết lập từ năm 1988 (10,62 giây).

Ở nội dung 400m rào nam, VĐV Na Uy Karsten Warholm đã đi vào lịch sử điền kinh khi phá kỷ lục thế giới của chính mình. Với 46 giây 70, VĐV 25 tuổi này cũng phá kỷ lục 400m rào nam tồn tại suốt 29 năm, do cựu VĐV Kevin Young (Mỹ) lập tại Olympic 1992.

VĐV An San của Hàn Quốc đã giành ba tấm huy chương vàng, không những thế cô gái trẻ này còn phá luôn 1 kỷ lục Olympic ở nội dung cung 1 dây với số điểm 680. Đáng chú ý là An San năm nay mới chỉ 19 tuổi, và mới có lần đầu tham dự Olympic.

Câu chuyện nhân văn và những khoảnh khắc ấn tượng

VĐV Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Italia) tạo ra một trong những khoảnh khắc nhiều nước mắt nhất Thế vận hội. Cả hai VĐV nhảy cao đều thi đấu thành công thiết lập độ cao kỷ lục Olympic là 2,39 m. Điều này buộc họ phải trải qua một lượt đấu “tie-break” để phân định người thắng, nhưng thay vào đó cả hai quyết định chia sẻ một HCV. Sau khi họ quyết định, Tamberi đập tay Barshim và ôm chầm lấy nhau chia vui trong tâm thế của những người chiến thắng.

Trước đó, trên cùng đường đua, VĐV Isaiah Jewett của Mỹ và Nijel Amos của Botswana đã bị vấp chân nhau và ngã trong lượt bán kết chạy 800 m nam. Thay vì tức giận, họ giúp nhau đứng dậy, khoác tay nhau và dìu nhau về đến vạch đích. Hình ảnh đó đã lan toả khắp và những người chứng kiến dường như quên mất rằng đó là một cuộc đấu thể thao để giành ngôi cao nhất, có khi không khoan nhượng.

Olympic của những nghị lực, ý chí

Ở phần thi chạy 200m thuộc nội dung bảy môn phối hợp nữ, nhà vô địch thế giới 7 môn phối hợp Katarina Johnson-Thompson đã ngã trên đường chạy 200m, cô nằm xuống, tay trái ôm đầu, tay phải ôm bắp chân phải. Các nhân viên y tế chạy đến tỏ ý muốn chăm sóc cho Johnson-Thompson. Họ muốn đỡ cô lên xe đẩy, nhưng cô từ chối, đứng dậy và bước đi tiếp. Đương kim vô địch thế giới ban đầu chạy cò lò bằng chân phải, rồi tập tễnh cán đích trong sự hò reo cổ vũ của các đối thủ.

Tokyo 2020 đã chứng kiến ý chí và nghị lực phi thường của tay vợt bóng bàn nữ người Ba Lan Natalia Partyka từng là một huyền thoại của làng bóng bàn khuyết tật khi từng giành đến 5 HCV trong các kỳ Paralympic. Partyka luôn quyết tâm chứng tỏ mình cũng chẳng thua kém gì các tay vợt bình thường và luôn nỗ lực thi đấu song song cả hai đấu trường. Partyka từng lọt vào top 50 thế giới.

Dù không phải là một VĐV cưỡi ngựa quá xuất sắc nhưng bà Mary lại khiến tất cả thán phục về sự kiên trì theo đuổi đam mê, cũng như độ dẻo dai đáng nể của mình khi đang ở tuổi 66, Mary Hanna là VĐV cao tuổi nhất tham dự Olympic Tokyo. Đây là kỳ Olympic mùa hè thứ 6 trong sự nghiệp của bà. Việc bà có thể vượt qua dịch bệnh để tham dự kỳ Olympic thứ 6 trong sự nghiệp đã minh chứng về ý chí của VĐV đã lên chức bà ngoại.

Ý chí và nghị lực đã được ghi nhận khi nữ VĐV 46 tuổi người Uzbekistan lập kỷ lục 8 lần tham dự Thế vận hội. Oksana Chusovitina là VĐV kỳ cựu của thể dục dụng cụ thế giới. Oksana Chusovitina chia sẻ: “Tôi đã khóc vì hạnh phúc, vì đã có rất nhiều người ở bên ủng hộ tôi suốt một hành trình dài. Không cần biết kết quả thi đấu là như thế nào, chỉ biết tôi đang rất tự hào và hạnh phúc. Đây cũng là thời khắc tôi nói lời chia tay với thi đấu đỉnh cao. Đây chắc chắn là lần cuối cùng tôi thi đấu Olympic. Nay tôi hạnh phúc, không chấn thương và còn được đứng đây với tư cách một VĐV, như thế là quá đủ đầy.”

Những đoàn thể thao không mang quốc kỳ của đất nước

Bên cạnh đoàn thể thao người tỵ nạn, Olympic Tokyo 2020 chứng kiến sự góp mặt của một đoàn đặc biệt mang tên Ủy ban Olympic Nga (ROC). Hơn 300 VĐV là người Nga nhưng thi đấu với tư cách là VĐV trung lập, mang cờ có biểu tượng của Thế vận hội. Nếu một VĐV Nga giành HCV, "Bản hòa tấu piano số 1" của P.Tchaikovsky sẽ được phát thay cho quốc ca Nga. Án phạt trên được Cơ quan chống doping thế giới đưa ra sau bê bối liên quan đến doping của thể thao Nga từ năm 2018. Đến với Olympic 2020, hơn 300 VĐV Nga đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực cống hiến để vượt lên thách thức. Họ vẫn thi đấu mạnh mẽ và đầy khát vọng. Kết thúc Olympic 2020, đoàn thể thao Ủy ban Olympic Nga giành tổng cộng 71 huy chương, trong đó có 20 huy chương vàng, 28 huy chương bạc và 23 huy chương đồng, đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp huy chương đại hội.

Tạm biệt Tokyo, hẹn gặp lại ở Paris năm 2024

Olympic Tokyo 2020, với khẩu hiệu “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn, Cùng nhau” các nhà tổ chức đã gửi gắm tinh thần đoàn kết khi ứng phó với đại dịch Covid-19. Olympic Tokyo 2020 đã thành công ngoài mong đợi đã minh chứng cho sức mạnh của thể thao gắn kết hòa bình và hy vọng từ Nhật Bản đến toàn thế giới. Tạm biệt Tokyo, hẹn gặp lại ở Paris năm 2024.