Võ gậy Arnis đã xuất hiện ở Philippines từ thế kỷ thứ 15 nhưng không ai rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ biết người dân Philippines sử dụng Arnis rất hữu hiệu vào cuộc kháng chiến chống Tây Ban Nha xâm lược. Ngày nay, môn võ này đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Trong vài năm trở lại đây, võ gậy Arnis đã nhanh chóng xuất hiện tại nhiều phòng tập ở Việt Nam, thu hút được nhiều người quan tâm và tập luyện. Tại khu vực Hà Nội, những trung tâm như AKC Fitness hay Kickfit Việt Nam là những địa điểm dạy võ gậy nhận được sự tín nhiệm của người tập.

Trong môn Arnis, võ sinh thường chiến đấu bằng một chiếc hoặc một đôi gậy dài từ 27,94 cm đến 76,2 cm. Nguyên tắc chiến đấu của arnis bao gồm đỡ và ngăn chặn đòn tấn công của đối thủ sau đó tung đòn dứt điểm bằng đấm, đá hay ném đối thủ ra xa. Một đặc điểm đáng chú ý của Arnis là nó có thể giúp cho người chơi tự vệ trong những tình huống thực tế. Sau khi được dạy võ gậy Arnis, bạn có thể tận dụng cả những cành cây, khúc gỗ ven đường để tự vệ nếu cần. Anh Nguyễn Duy Công, một HLV của Kickfit Việt Nam cho biết: “Đối với các môn vũ khí càng ngắn thì càng phải nhanh. Do đó, môn võ gậy này sử dụng độ linh hoạt của cổ tay rất nhiều. Chúng ta phải gia tăng sức dẻo, khéo và khỏe của cổ tay sử dụng để điều khiển gậy. Môn võ này tăng cho cơ thể ta có sự dẻo dai, bền bỉ, đặc biệt là có thể tự vệ”.

Không chỉ thiết thực trong cuộc sống, võ gậy Arnis còn được ưa chuộng bởi việc giúp cho người tham gia tập luyện có được sức khỏe dẻo dai, tăng sự linh hoạt, khéo léo của cơ thể và cải thiện thể hình, vóc dáng nhanh chóng. “Qua tìm hiểu tôi được biết đến môn võ gậy này. Nó cũng là một môn rất mới lạ ở Việt Nam và sau thời gian tập thử tôi cảm thấy rất thích bởi tính thực tế, hữu dụng của nó và ngoài ra thì nó cũng giúp cho tôi rèn luyện thể lực cộng với thân hình cũng trở nên đẹp hơn”. Anh Trần Đức Thanh, một học viên theo tập võ gậy chia sẻ.

Tại TP.HCM, võ gậy cũng đang là một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn theo tập. Một trong những người tâm huyết đưa môn quốc võ của Philippines phổ biến tại đây là HLV Trần Trung Sơn. Từng là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Muay quốc gia nhưng với sự yêu thích khám phá cái mới, HLV Trần Trung Sơn tiếp tục tìm hiểu và học hỏi thêm về võ gậy của Philippinnes thông qua các chuyên gia và HLV bản địa. Đến nay, sau 2 năm tự trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân, anh đã có thể mở lớp huấn luyện và bước đầu tạo nên không gian tập luyện môn võ gậy tại thành phố Hồ Chí Minh. HLV Trần Trung Sơn cho biết: “Hiện tại đến nay thì cũng được 25 học viên rồi. Những người nòng cốt là những người đã yêu thích từ hồi mà Sơn mang võ gậy về đây từ hai năm trước họ vẫn gắn kết liên tục, liên tục vì khi tập võ gậy họ như đập tan những cơn mệt mỏi, xả stress và được cải thiện sức khỏe nữa. Họ cảm thấy phần nào tự tin hơn trong cuộc sống nên họ đến liên tục và giới thiệu nhiều người nữa. Đa số chị em phụ nữ cũng đi tập rất nhiều”.

Võ gậy từng được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games các năm 2005 và 2019. Đáng chú ý, năm 2005, dù chỉ mới làm quen với võ gậy 6 tháng nhưng đoàn Việt Nam với những “tân binh” Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thanh Quyền cùng các đồng đội đã làm các chuyên gia và người hâm mộ Philippines bất ngờ đến kinh ngạc khi đoạt đến 3 HCV, 3 HCB, sánh ngang cùng nước sản sinh ra môn võ này. Ở SEA Games năm 2019, đội tuyển võ gậy Việt Nam cũng gây ấn tượng khi giành 4 HCV, 10 HCB và 6 HCĐ.