Sáng nay (27/2), Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Qua đó để làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.

Báo cáo Trung tâm tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam. "Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc vào ngày 24/11/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định “Văn hoá phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Kể từ thời điểm này cho tới năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đề ra".

Việc vận dụng và phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển văn hóa được đặt ra trong Đề cương với ý nghĩa như một cương lĩnh về văn hóa của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua. Theo thống kê, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP cả nước năm 2018. Sự thay đổi này cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa và chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá.

Trên cơ sở khẳng định giá trị, ý nghĩa to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội thảo đã tập trung phân tích yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng và giải pháp tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển các quan điểm của Đề cương vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội thảo khẳng định cần tiếp tục kế thừa, vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” để nghiên cứu, tổng kết, làm rõ và sâu sắc hơn nữa nội hàm của mục tiêu xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng- nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho rằng nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận về văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn, trong đó, luận điểm cơ bản “văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung” được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần và vươn tới sự hoàn chỉnh trong những năm gần đây.

Có thể nói 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị của một cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội thì sức sống của nền văn hóa Việt Nam với 3 nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa vẫn truyền tải nguyên vẹn những thông điệp quan trọng về tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết. "Chúng ta đã có được một cương lĩnh về văn hóa trong thời kỳ chiến tranh thì bây giờ chúng ta cũng cần có những đột phá mới, những thay đổi mang tính cách mạng mới trong thời kỳ hội nhập với sự phát triển của khoa học công nghệ. Những nguyên tắc này giúp cho chúng ta những kinh nghiệm gì, bài học gì và hội thảo đã góp phần quan trọng để bồi đắp hơn, phát huy hơn những giá trị của đề cương văn hóa 1943".

Có thể nói, những tư tưởng mới của bản Đề cương là nguồn động viên, khích lệ để ngành văn hóa có thêm quyết tâm đột phá nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật… khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, kéo dài. Cùng với đó, xây dựng, tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển văn hoá, con người trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Câu chuyện phát triển về văn hóa không phải câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội. Phải vận dụng tư tưởng của đề cương đấy là văn hoá phải trở thành một mặt trận và trở thành một phần của sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. "Rõ ràng từ năm 2021 đến nay chúng ta đã thấy sự thay đổi về nhận thức trong phát triển văn hóa, sự gắn bó phát triển đồng bộ giữa các bộ ban ngành với nhau, nó đã tạo ra sự chuyển động mới".

Thực tiễn 80 năm qua đã cho thấy những giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao của Đề cương về Văn hóa Việt Nam với vai trò một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.