Trước những dư luận xã hội gần đây về việc một thành viên Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện quốc gia làm lộ hình ảnh và nội dung phim đi duyệt, có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu phim, từ đó đặt ra câu hỏi về cách thức và quy trình làm việc của hội đồng. Cùng với đó là một số vấn đề về hợp tác quốc tế, mở “luồng xanh” cho phim Việt dự tranh liên hoan phim quốc tế… Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL để giải đáp những thắc mắc này.

Ai vi phạm qui chế sẽ bị xử lý nghiêm!

Phóng viên: Thưa Cục trưởng Vi Kiến Thành, quy trình hoạt động của Hội đồng Thẩm định và Phân loại Phim truyện Quốc gia hiện nay được thực hiện như thế nào?

Ông Vi Kiến Thành: Hội đồng TW Thẩm định và phân loại phim truyện của Cục Điện ảnh hoạt động theo Luật Điện ảnh 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009) và các Nghị định, Thông tư, Qui chế đã được ban hành từ sau khi có Luật Điện ảnh 2006. Cụ thể hoạt động thì Hội đồng làm việc tập trung tại phòng chuyên để duyệt phim của Cục. Sau khi xem xong mỗi bộ phim được duyệt, Hội đồng sẽ thảo luận, có ý kiến (ghi rõ vào phiếu ý kiến của mình). Sau đó thư ký sẽ tổng hợp biên bản và đưa ra ý kiến đánh giá xếp loại của Hội đồng.

Hội đồng làm nhiệm vụ tư vấn cho Cục kí các quyết định cấp phép phổ biến hay không phổ biến. Trong qui chế hoạt động của Hội đồng có ghi rõ, các ý kiến thảo luận – tranh luận được viết vào các phiếu hay biên bản thì không được đưa ra ngoài cuộc họp. Người phát ngôn chính thức của Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng (GS.TS Trần Thanh Hiệp).

Phóng viên: Thưa ông, trước dư luận xã hội mấy ngày qua về việc một thành viên Hội đồng làm lộ nội dung và hình ảnh phim, vậy thì quy trình quản lí bản phim được gửi đến duyệt như thế nào? Liệu có kẽ hở nào để hacker hay ai đó có thể lấy được hình ảnh của phim ra và tung lên Internet không?

Ông Vi Kiến Thành: Công nghệ số bây giờ thì việc lọt lộ đó không thể xảy ra được! Vì khi người ta gửi bản phim đó đến cho Cục để chiếu cho Hội đồng thẩm định thì có phải muốn mở lúc nào, muốn xem lúc nào là được đâu, phải do đơn vị đó mở khóa mã. Ví dụ họ mở lúc 2h chiều đến 3h30 chiều thì chỉ có thể xem trong đúng thời gian đó thôi (hết thời gian đó là tự động khóa lại), nên chuyện mọi người nghĩ Cục mở ra cho bên này bên kia xem là không thể xảy ra!

Phóng viên: Ê-kíp phim Vị cho rằng, hình ảnh bị lộ trên mạng có đóng dấu dòng chữ từ bản chiếu của Cục Điện ảnh Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?

Ông Vi Kiến Thành: Đó là thông tin từ mạng xã hội và Cục đang tìm hiểu xem xét việc này. Phải tìm đủ thông tin, bằng chứng, chứng cứ… chứ không thể chỉ dựa vào thông tin của một phía hoặc một đối tượng nào đó được. Bằng chứng kèm theo của họ cũng chưa đủ căn cứ, vẫn phải tìm hiểu thêm, thậm chí phải nhờ thêm các cơ quan khác giúp cho Cục Điện ảnh tìm hiểu xem sự thực có đúng như vậy không.

Phóng viên: Nếu thành viên hội đồng vi phạm quy chế làm lọt, lộ tài sản trí tuệ của nhà làm phim thì có chế tài xử phạt thế nào, thưa ông?

Ông Vi Kiến Thành: Nếu ai đó vi phạm qui chế thì đương nhiên phải có biện pháp (kể cả có thể phải thay thế), nhưng điều đó trên cơ sở phải có đầy đủ yếu tố chứng minh là người ta đã vi phạm qui chế làm việc của Hội đồng, bởi vì đây là sinh mạng chính trị của một người, không thể hồ đồ, bộp chộp được!

Tạo điều kiện hết sức, tháo gỡ khó khăn nhưng không có nghĩa là đồng tình với mọi đề xuất của nhà làm phim

Phóng viên: Thưa Cục trưởng Vi Kiến Thành, một số nhà làm phim cũng đề xuất một số giải pháp để thu hút đầu tư quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, họ lấy ví dụ dẫn chứng là trong năm 2019 Thái Lan thu được 150 triệu USD từ việc cho thuê địa điểm và gia công cho các đoàn phim quốc tế. Hiện có 2 hình thức, một là tạo điều kiện cho đoàn phim nước ngoài vào quay tại nước ta; và hai là nước ngoài vào thuê đạo diễn, diễn viên Việt Nam làm phim về Việt Nam và phát trên môi trường quốc tế. Sắp tới Cục Điện ảnh có giải pháp nào tháo gỡ khúc mắc này không?

Ông Vi Kiến Thành: Luật Điện ảnh 2006 cũng đã đề cấp đến việc tạo điều kiện tốt hơn cho các đoàn làm phim quốc tế vào Việt Nam. Luật Điện ảnh sửa đổi bổ sung lần này cũng có rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều điều đề cập đến việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam triển khai các dự án sản xuất phim mà sử dụng bối cảnh, phim trường, diễn viên của Việt Nam. Điều đó đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế, khuyến khích phát triển du lịch.

Việc bỏ thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài, nếu nhìn ở góc độ những nhà sản xuất phim với mong muốn có nhiều dự án hợp tác với quốc tế, phát triển kinh tế - điện ảnh - du lịch thì hợp lí. Nhưng ở góc độ tư tưởng văn hóa, thì lại ẩn chứa nhiều nguy cơ!

Cục Điện ảnh đã gặp nhiều kịch bản nước ngoài gửi đến để thẩm định, trong đó xuyên tạc lịch sử. Ví dụ như có một dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở hang Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết họ nói về một gia đình người nước khác tìm ra và sinh sống ở trong đó. Với những kịch bản như vậy thì có thể cho họ vào Việt Nam làm phim một cách tự do, thoải mái được không?

Cũng phải tính đến việc, có phim hợp tác - liên doanh sử dụng dịch vụ của Việt Nam nhưng lại không phổ biến ở Việt Nam mà lại phổ biến ở nước thứ 3, thứ 4 nào đó. Không phổ biến ở Việt Nam thì không phải qua khâu thẩm định, phân loại phim của Hội đồng ở Việt Nam thì chúng ta không thể ngăn cấm được những nội dung xuyên tạc lịch sử - tư tưởng - văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế, Luật Điện ảnh sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên quy định thẩm định kịch bản trước với phim liên doanh, hợp tác nước ngoài và phim sử dụng ngân sách Nhà nước.

Với đề xuất cho rằng cần tạo điều kiện về mặt chính sách để thu hút các đoàn phim quốc tế vào Việt Nam, ví dụ chính sách hoàn thuế, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho rằng, đây là vấn đề của Luật Thuế và chịu sự quản lí của Bộ Tài chính chứ không phải của ngành điện ảnh. Dù Cục Điện ảnh muốn đề xuất hoàn thuế chăng nữa nhưng nếu Bộ Tài chính phủ quyết thì cũng không thực hiện được! Ông Thành một lần nữa nhấn mạnh rằng, về mặt quan điểm chủ trương chính phủ rất ủng hộ các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam, nhưng để có những ưu đãi chính sách thì liên quan đến rất nhiều Bộ, Ban ngành và cần một chỉ đạo từ cấp cao hơn.

Phóng viên: Thưa ông, phía các nhà làm phim có đề xuất cấp “luồng xanh” cho phim đi thi LHP quốc tế: có hội đồng thẩm định riêng chỉ cấp phép cho đi thi, khi về nếu muốn phát hành đại chúng trong nước lại xin cấp phép sau. Cục Điện ảnh đánh giá thế nào về tính khả thi của đề xuất này?

Ông Vi Kiến Thành: Điều này tôi cũng đã được nghe trong một số cuộc trao đổi nghề nghiệp gần đây. Cục cũng như ban soạn thảo Luật Điện ảnh cũng đang nghiên cứu để đưa vào các Nghị định tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt ra nước ngoài hội nhập quốc tế một cách sâu rộng hơn. Tuy nhiên, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta phải rất cẩn trọng chỗ này vì nếu không khéo sẽ thành có 2 tiêu chí cho cùng một tác phẩm điện ảnh: một tiêu chí cho thị trường trong nước và 1 tiêu chí khác (cởi mở hơn) khi ra nước ngoài. Điều này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu chứ cũng không thể vội vàng ủng hộ hay phủ quyết ngay được.

bia_phim-rom_elle-man_0920.jpg

Phóng viên: Trả lời trên một số báo, ông cho rằng “Điện ảnh là lĩnh vực có nhiều thành phần tham gia, đa ngành đa nghề, có cả lĩnh vực của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… vì thế quản lí rất khó và không thể áp dụng cách thức quản lí của nhiều ngành khác vào điện ảnh”. Điều này tạo ra những khó khăn gì cho cơ quản quản lí lĩnh vực điện ảnh? Và Cục có giải pháp nào có thể khắc phục những vấn đề này?

Ông Vi Kiến Thành: Điện ảnh vốn dĩ từ xưa đến nay, cả thế giới đều xác định đó là ngành nghệ thuật tổng hợp. Một tác phẩm điện ảnh liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Khi dự thảo Luật Điện ảnh đưa ra thì cũng có một số ý kiến đề nghị thành phần Hội đồng duyệt phim phải gồm đầy đủ các thành phần thì mới đảm bảo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hết các vấn đề. Cá nhân tôi nghĩ kiến nghị này mang nặng tính lý thuyết, không có tính khả thi.

Hội đồng hiện nay có 11 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng - điện ảnh. Nếu đủ các thành phần, con số sẽ lên đến 30-40 người, như vậy rất khó hoạt động. Hội đồng hoạt động liên tục, hàng tuần, có nhiều tuần làm việc 4-5 ngày. Các thành viên trong hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, không phải ai cũng có thể theo đuổi một nhịp độ như vậy.

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật, nên phải được nhìn nhận, thẩm định dưới lăng kính của những người hiểu được ngôn ngữ điện ảnh, chứ nếu không rất dễ sa vào làm cho điện ảnh trở thành sản phẩm mang tính nghiệp dư, quá đại chúng vì được nhìn nhận, đánh giá, thẩm định dưới góc độ của những người không có chuyên môn về lĩnh vực. Mặc dù vậy, đó cũng là ý kiến ban soạn thảo vẫn phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

Chúng tôi xác định thành viên nào bất biến thì phải có mặt trong Hội đồng, tức là đương nhiên phải có cơ cấu Hội đồng cứng. Còn lại khi có những bộ phim nào chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, có thể mở rộng phạm vi của Hội đồng bằng cách mời thêm thành viên theo kiểu vụ việc.

Là người từng có 10 năm quản lí lĩnh vực bảo tàng – mỹ thuật – nhiếp ảnh, ông Vi Kiến Thành ủng hộ những quan điểm cởi mở, sáng tạo đột phá trong nghệ thuật. Ông chính là người cấp phép cho triển lãm ảnh nude đầu tiên của Việt Nam tổ chức ở 26 Hàng Bài. Nhưng theo ông Thành, nhiếp ảnh nude và điện ảnh nude là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không thể áp dụng cùng một phương thức quản lí. Bởi lẽ, điện ảnh có đặc thù là “hình ảnh động, gây hiệu ứng mạnh tới thị giác và tình cảm người xem”. Trong khi đó, nhiếp ảnh nude là ảnh tĩnh, tác giả có thể chọn góc máy bớt lộ liễu, phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp nghệ thuật.