Tối 3/11, tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu chính thức diễn ra Lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người” bằng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu văn hóa – Hội tụ và lan tỏa”.
Sự kiện có sự tham gia của đồng chí Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 11 địa phương có 14 dân tộc rất ít người sinh sống là Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An và Kon Tum cùng sự tham gia của 600 diễn viên chuyên nghiệp, nghệ nhân các dân tộc và diễn viên quần chúng là học sinh, sinh viên trên địa bàn cùng hàng nghìn bà con và du khách. Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và 3 tỉnh nước bạn Lào.
Chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa – Hội tụ và lan tỏa” là một trong những điểm nhấn của ngày hội với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”.
Hiện nay trong 54 dân tộc anh em, có 14 dân tộc có số người dưới 10.000 người được coi là dân tộc rất ít người bao gồm các dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái. Các dân tộc này chủ yếu sinh sống tại 11 tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, và Kon Tum. Tại Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc rất ít người là dân tộc Cống, Mảng, Si La, Lự, Cơ Lao.
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTT& DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản quý giá. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước”.
Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người” lần đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Đồng thời, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ coi trọng ý thức dân tộc, có ý thức trong việc bảo vệ văn hoá truyền thống. Đây cũng là dịp để lan toả, quảng bá bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Đồng chí Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu bày tỏ sự phấn khởi khi tỉnh Lai Châu được chọn đăng cai tổ chức ngày hội giàu ý nghĩa đầu tiên này: “Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào các dân tộc có công dân dưới 10.000 người. Chúng tôi ý thức sâu sắc được rằng đây là cơ hội quý báu để chúng ta được chứng kiến các đoàn trình diễn các tiết mục văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất, cùng trao đổi kinh nghiệm giao lưu, học hỏi, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc rất ít người đến từ 11 tỉnh trong cả nước. Đây cũng là dịp để cùng nâng cao nhận, thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.
Đến với Lai Châu dịp này, cùng với việc được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong “Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023”, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí sôi động của ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người, được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc, được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu; được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ; tham gia các môn thể thao, trò chơi dân gian, được cùng trải nghiệm, tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa.
Trước lễ khai mạc, trong khuôn khổ câc hoạt động ngày hội còn diễn ra chương trình gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL bày tỏ lòng biết ơn sự đóng góp của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. “Các giá trị văn hóa truyền thống có được trao truyền gìn giữ hay không đều nhờ vào những kinh nghiệm, sự nỗ lực của các nghệ nhân. Tôi mong muốn các nghệ nhân tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, các dân tộc rất ít người nói riêng; việc trao truyền, gìn giữ cho thế hệ trẻ và mãi về sau...” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Gặp mặt, các nghệ nhân tiêu biểu đều mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, môi trường cho các dân tộc trong cả nước được giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tạo cơ hội để các dân tộc, nhất là dân tộc rất ít người tiếp tục phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của mình và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam...
Với rất nhiều các hoạt động giàu bản sắc, “Ngày hội Văn hóa các dân tộc dưới 10.000 người lần thứ I” đã thực sự tạo nên một bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu nhưng không kém phần tinh tế và đa dạng về toàn cảnh đời sống văn hóa của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Ngày hội cũng tạo mạch nguồn cảm xúc cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã gắn bó, đam mê với nghệ thuật dân gian và thể thao truyền thống dân tộc; là động lực để đồng bào tiếp tục lan toả tinh thần này trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng, để văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung, các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng mãi mãi trường tồn, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.