Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Hàng không và Du lịch luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Về Hàng không, ngày 28/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế và ngày 22/01/2019 phê duyệt đề án Tăng cường kết nối Hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch. Về du lịch, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Trước đó, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với du lịch Việt Nam, đưa du lịch Việt Nam phát triển bứt phá, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.

Vì vậy, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, hội thảo kết nối ngành Hàng không và Du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. “Sự vào cuộc của các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ chung tay tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa đến giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai”.

Tại Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, mặc dù du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Đó là nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng.

Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội cho rằng, giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành cũng như làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các điểm đến trong nước. Vì thế, để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hàng không và Du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể; phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch; xây dựng kế hoạch quảng bá - tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Ví dụ, cần tính toán đến hai điểm đến cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Singapore cho các thị trường châu Âu, Úc và Mỹ cũng như học hỏi kinh nghiệm của điểm đến Hawaii về du lịch biển đối với thị trường Nhật...

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục. Với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3/2023, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I/2023. Hiện có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan và đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt".

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm cũng nêu lên những quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm và xâm hại tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái, bảo đảm lợi ích lâu dài đối với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế.