Thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2030”, trong những năm qua, rất nhiều hoạt động khuyến đọc đã được tổ chức. Trong đó, chương trình Ngày sách và văn hóa đọc Việt nam được phát động và triển khai rộng rãi đã tạo những hiệu ứng lan tỏa tích cực. Nhà văn, nhà báo Phong Điệp, Vụ trưởng, trưởng ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân Dân nhận định: “Với tư cách là người viết và với tư cách là một độc giả, tôi thấy ngày sách Việt Nam càng ngày càng được tổ chức một cách thiết thực. Không chỉ các ngành chức năng như văn hóa, thông tin, xuất bản mà các trường học, độc giả trẻ cũng vào cuộc. Ở nhiều địa phương, nhiều hoạt động được mở ra, người dân quan tâm rất nhiều. Đây là những biểu hiệu rất tích cực cho thấy hiệu quả của ngày sách đã được phát huy trong đời sống.

Một hoạt động khác có tác động mạnh mẽ đến phong trào đọc trong cộng đồng là cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi này đã thu hút gần 4 triệu lượt thí sinh tham dự với nhiều tác phẩm đặc sắc. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã khẳng định vị thế của cuộc thi. Với sự tích cực vào cuộc của nhiều địa phương và nhiều trường học, học viện, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã trở thành một sân chơi, một diễn đàn hữu ích cho học sinh, sinh viên cũng như thanh niên, thiếu niên cùng các tầng lớp nhân dân chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả, lan tỏa nguồn tri thức khổng lồ từ sách.
Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) cho rằng: “Cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó cuộc thi đã tác động cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập".

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều tổ chức cá nhân trong cộng đồng cũng đã thực hiện các mô hình khuyến đọc sáng tạo. Trong đó, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và “Tủ sách nhân ái” do kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh sáng lập. Trong hơn 4 năm, chương trình đã huy động và trao tặng hơn 11.000 tủ sách và thư viện với hơn 60 vạn cuốn sách hay tới hơn 60 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, 15 “Ngôi nhà trí tuệ” được khởi động, ngoài chức năng thư viện còn có nhiều hoạt động giáo dục miễn phí cho trẻ em và người dân địa phương. Ngôi nhà trí tuệ bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau nhân rộng ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ… làm thay da đổi thịt những miền quê. Doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Chương trình được khởi sinh từ mong muốn khát khao là tất cả trẻ em trên mọi miền đất nước được tiếp cận với sách và tiếp cận với những người thầy giỏi, người bạn tốt. Bản thân tôi đã thay đổi cuộc đời mình. Chúng tôi thay đổi cuộc đời chúng tôi thì người khác cũng có thể thay đổi cuộc đời của bản thân họ qua việc đọc sách và tự học suốt đời. Chính vì vậy nên tôi đã quyết định thực hiện 2 chương trình này”.

Còn rất nhiều các mô hình khác nữa với mong muốn nhân lên tình yêu đọc sách trong mỗi gia đình, trong cộng đồng như dự án “Sách nhà mình” của chị Lê Thùy Dương ở Cầu Giấy, Hà Nội. 3 năm qua dự án “Sách nhà mình” đã phối hợp với NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ và nhiều đơn vị phát hành sách triển khai các hoạt động khuyến đọc trong nhiều trường học ở Hà Nội, thu hút hàng trăm gia đình tham gia. Hay “Tủ sách Happy Home” của chị Đặng Hoàng Hạnh ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã tổ chức hàng trăm buổi đọc sách ngoài trời cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh những mô hình tại cộng đồng, để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cần tăng cường thêm những xuất bản phẩm có chất lượng, chú trọng phát triển xuất bản phẩm điện tử và các loại hình xuất bản phẩm khác, đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của nhiều đối tượng độc giả, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ cho hoạt động của các thư viện - “điểm chạm” trực tiếp. Hơn nữa, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy. Sự lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng là rất quý nhưng vẫn rất cần một chiến lược quốc gia tổng thể về phát triển văn hóa đọc. Thời gian tới, ngành văn hóa cần hoạch định từng giai đoạn phát triển văn hóa đọc để phong trào đọc sách đi vào thực chất.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: