Trà Vinh là tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, du lịch Trà Vinh từng bước phát triển, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng và được các doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm dừng chân khi đến với đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm. Trong đó, tiêu biểu là Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Ngoài ra, Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được nhà nước xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.

Cũng theo ông Dương Hoàng Sum, nếu như từ năm 2018 trở về trước, từ một địa phương không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam thì hiện nay du lịch Trà Vinh đã có bước phát triển vượt bậc. Sản phẩm du lịch, dịch vụ phong phú, hấp dẫn hơn, thu hút ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh nhanh chóng phục hồi. Năm 2022, Trà Vinh đón gần 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 898 tỷ đồng.

"Hiện nay, tỉnh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng và đang khai thác các tuyến du lịch mới như: Tuyến du lịch cộng đồng “Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa, Du lịch Khmer - Cồn Chim”; tuyến du lịch sinh thái “Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa, Du lịch Khmer - Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa - sinh thái Tiểu Cần - Cầu Kè; tuyến du lịch biển Ba Động; tuyến du lịch văn hóa huyện Trà Cú", ông Dương Hoàng Sum thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội và Trà Vinh đều có thế mạnh, có tiềm năng riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách. "Với vị trị trí nằm giữa hai nhánh sông Mekong và tiếp giáp biển Đông, nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với đó, hệ thống sông rạch phong phú, đất đai luôn được phù sa bồi đắp đã tạo cho Trà Vinh một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng; môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng của Trà Vinh và Trà Vinh nên phát triển sản phẩm dựa trên các lợi thế sẵn có này", ông Trần Trung Hiếu gợi ý.

Dưới góc độ của đơn vị lữ hành, ông Vũ Văn Tuyên - CEO công ty Travelogy cho rằng, Trà Vinh có 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống nên văn hóa, ẩm thực của địa phương rất đa dạng, phong phú. Đây là tiềm năng lớn để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa, ẩm thực, từ đó tạo nên sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Hà Nội và Trà Vinh đã ký liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường đưa khách đến Trà Vinh và các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh có chính ưu đãi, giảm giá dịch vụ cho các doanh nghiệp du lịch Hà Nội.