Thích đọc sách từ khi còn nhỏ, đến bây giờ dù tuổi đã ngoài 40 nhưng anh Nguyễn Văn Phúc ở phường Văn Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội chưa dám nhận mình là người mê đọc sách. Với anh Phúc, sách như một người bạn đã đồng hành cùng mình trong công việc, trong cuộc sống và kể cả những khi thất bại. "Tôi rất thích đọc những cuốn sách như kiểu “đắc nhân tâm” hay “phép tắc con người” hay “sống có giá trị”… đại khái là những cuốn sách về kỹ năng sống và rèn luyện nhân cách. Nhờ những cuốn sách đó mà tôi nhìn nhận nhiều vấn đề từ phức tạp trở thành đơn giản. Đây cũng là cách để cuộc sống và công việc của mình trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực như trước".
Với em Nguyễn Minh Châu, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội cũng vậy, sách giống như nguồn sống quý giá, món ăn tinh thần khó có thể so sánh. "Sách là một người bạn, có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Con nghĩ là mình có thể đọc sách nhiều hơn mỗi ngày để nhìn nhận thêm về bẻ đẹp của thế giới xung quanh qua những trang sách".
Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức để hoàn thiện bản thân, suy nghĩ đúng đắn hơn và đủ kiến thức để trải nghiệm cuộc sống. Đặc biệt, đọc sách không chỉ mang lại những lợi ích về mặt trí tuệ, khơi gợi và kích thích sáng tạo mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển và rèn luyện nhân cách con người. Đây cũng là lý do mà chị Nguyễn Thanh Thùy ở Hà Đông, Hà Nội xây dựng thói quen đọc sách cho các con ngay từ khi còn nhỏ. "Mình rất thích câu là “mở sách mở cả thế giới” nên mình luôn hy vọng các con thích sách. Từ khi các con mới chỉ sơ sinh, mình đã mua những cuốn sách bìa dày để bé có thể sờ và gặm được. Lớn hơn thì mình mua những cuốn sách về những câu chuyện liên quan đến tình cảm hoặc là những cuốn sách về tình yêu thương của gia đình với nhau".
Sách không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chứa đựng những câu chuyện, nhân vật và tình huống sống động. Qua việc đọc sách, mỗi người được tiếp xúc với những giá trị, tư tưởng và trải nghiệm của nhân loại. Theo chuyên gia tư vấn Lê Thị Thanh Thủy - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, sách có thể truyền cảm hứng, khích lệ, giúp con người khám phá và xây dựng giá trị cuộc sống của mình, nhất là với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần định hướng cũng như giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách. Điều này vô cùng quan trọng cho việc phát triển và hình thành tính cách của con trẻ. "Các em nhỏ chưa đủ khả năng nhìn nhận sách nào phù hợp. Do vậy định hướng phụ huynh rất ý nghĩa cho các em. Trẻ đang phát triển tư duy nên việc trẻ đọc sách có thể kích thích trí tưởng tượng, tư duy, điều đấy có ý nghĩa lớn đến phát triển của trẻ."
Trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, thông qua mạng xã hội, con người có rất nhiều cách để tìm kiếm, tiếp cận thông tin ở mọi lĩnh vực khác nhau một cách dễ dàng, thuận tiện, song sách vẫn là một kho tàng vô giá với bất cứ ai. Nhà thơ Lữ Mai cho rằng dù công nghệ có phát triển đến đâu thì sách vẫn không bị lấn lướt bởi các phương tiện nghe nhìn khác ."Bản chất của những phương tiện ra đời là để phục vụ tốt hơn cho đời sống con người và tôi không nghĩ là điều gì lấn lướt điều gì cả. Công nghệ nếu biết cách sử dụng thì nó sẽ chỉ tăng hơn cái tính hiệu quả của sách vở mà thôi".
“Văn hóa đọc” của người Việt gắn liền với sự học từ xưa tới nay và có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống. Người lớn, trẻ em đều mê đọc sách, từng cuốn sách được nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nên việc tiếp cận sách cũng đã có sự đổi thay. Cần thay đổi nhận thức, hướng dẫn học sinh tiếp cận, khai thác tri thức từ nguồn sách online, sách điện tử, đặc biệt là nền tảng “sách nói” ngay từ khi còn trẻ. Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, dù đọc bằng cách nào, sách vẫn luôn phát huy được các giá trị cao cả. "Sách là cầu nối những kiến thức từ quá khứ lịch sử mang đến cho hiện tại, tôi muốn gửi gắm tới bạn đọc rằng, chúng ta hãy yêu sách, hãy quan tâm đến sách, hãy đọc sách để mở mang tầm mắt nhìn ra thế giới. Và kiến thức là vô tận, chúng ta hãy tích lũy kiến thức từng ngày, từng giờ".
Dù xã hội có hiện đại đến đâu, các phương tiện truyền thông có bùng nổ đến thế nào thì vẫn không thể thay thế được những cuốn sách và thú vui, niềm đam mê đọc sách. Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa – “văn hóa đọc”, là thái độ, là cách ứng xử của mỗi người với tri thức, sách vở…