Cận Tết, con gái nhắc mẹ : “Mẹ nhớ mua nắm mùi già cho con” . Nhìn con gái với mái tóc nhuộm màu khói, đôi môi tô son mate màu cam đất, mẹ mỉm cười gật đầu rồi hỏi “Giao thừa đi chơi với bạn không con?” và tiếng đáp ngúng nguẩy “Tết ta thì phải ở nhà với gia đình chứ…” và nụ cười hạnh phúc nở trên môi.

Nồi nước lá mùi sực nức khắp nhà chiều 30, nghe hương tình yêu dâng đầy. Với con trẻ, đó có thể, chỉ là mùi thơm quen thuộc dịp Tết. Với người lớn, đó còn là mùi ký ức.

Những gì thẳm sâu trong tiềm thức, luôn và sẽ là những gì khiến ta cảm thấy thân thuộc, gắn bó nhất. Mùi khói trên mái tóc mẹ khi ngồi canh nồi bánh chưng, mùi pháo tét đượm nồng trong mưa bụi, gió xuân, mùi những chiếc bánh quy gai thơm nức đợi cả chiều xếp hàng làm mới lấy được về, mùi hương khói thắp trên bàn thờ tiên tổ…Chao ơi là nhớ…

Mùi hương của Tết, của những nắm mùi già, muốn có, giờ tiện lợi hơn nhiều, nó được cô lại trong những sản phẩm tiện dụng: tinh dầu hạt mùi già, xà phòng mùi già…Nhưng hương vị Tết, lại chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn, trong khung cảnh tình thân ấm áp.

Sẽ chẳng có gì bền lâu nếu không được tích tụ qua mưa nắng, thời gian, qua ngọt bùi cay đắng. Như nước mùi ngày Tết chỉ thật thơm khi đó là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Hương mùi chỉ thật nhớ khi nó là nồi nước xông được tắm từ thuở ấu thơ vào mỗi dịp Tết với lời nhắc dịu dàng của mẹ.

Năm tháng qua đi, xã hội đổi thay, con người cũng đổi khác nhưng sẽ có những giá trị bất biến mà nếu mất nó, người ta sẽ chơi vơi không biết đâu là bến bờ, không biết nơi đâu để neo đậu.

“Cầm tay nhau bước trong giao thừa./Đón xuân đang về với tình yêu trái đất này…”. Trong thời khắc giao thừa, trong khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, người ta chỉ cảm nhận được tình yêu khi trái tim rung lên tình yêu với con người, với vạn vật đất trời.

Mãi là một kỷ niệm khó quên của đêm giao thừa 2 năm trước, khi đón năm mới trong đì đoàng sấm chớp, mưa gió ngập trời với những hạt mưa đá rơi trắng sân.

Tết bất thường ấy, chúng ta biết đến cái tên virus Corona, Sars-CoV-2. Vậy là năm Covid-19 thứ nhất bắt đầu. Rồi năm Covid thứ hai, và giờ là cái Tết thứ ba, chúng ta vẫn phải sống chung với Covid-19.

Dẫu vậy, hương mùi già vẫn thơm nức trong chiều 30. Và dường như, người ta bỗng thích, bỗng yêu mùi hương Tết này hơn nhiều năm trước. Bởi dịch bệnh Covid-19 đã làm nhiều người nhận ra, những gì bình dị nhất là những điều hạnh phúc nhất. Và rằng, hương Tết, hương vị tình thân, thật đáng quý và thiêng liêng biết bao sau những khó khăn, chia xa, mất mát…

Còn nhớ câu chuyện ý nghĩa về một cuộc thi vẽ tranh diễn tả sự bình yên đã đọc. Tác phẩm được trao giải cao nhất không phải diễn tả một khung cảnh êm đềm mà ngược lại, là bức tranh về cảnh giông tố, sấm chớp và giữa cơn cuồng phong ấy, có một tổ chim nhỏ cheo leo trên chỏm núi, trong đó, chim mẹ vẫn đang mớm mồi, chăm sóc lũ chim non.

Để lại bão giông, nhọc nhằn sau cánh cửa, Tết đoàn viên thơm mùi bánh chưng, thơm hương mùi già… sẽ giúp mỗi người có thêm sự an ủi, nguồn động viên, niềm hạnh phúc để hy vọng và bước tiếp trong năm mới.

Xuân đã bên thềm …