Kể từ khi lần đầu Luật Đất đai được ban hành năm 1987, hơn 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã cho thấy vai trò, vị trí trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thế nhưng, đa số các khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua là liên quan tới vấn đề đất đai, chiếm gần 70% số đơn khiếu nại, tố cáo các cơ quan hành chính nhận được. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm tới 98% số lượng đơn thư nhận được hằng năm. Đã có không ít vụ án tham nhũng bị phanh phui, không ít cán bộ "ngã ngựa" vì liên quan tới đất đai.

Nhiều lần dư luận dậy sóng, nhân dân bất bình, gia đình tan nát cũng chỉ vì đất đai.

10 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vấn đề nổi lên luôn là giá đất. Giá đất được nhắc tới 21 lần trong Nghị quyết 19, trong đó có nhấn mạnh “giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Nhưng từ Nghị quyết đến cuộc sống là những khoảng cách với nhiều vướng mắc.

Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Và một trong những vấn đề được Nhà nước quản lý là việc xác định giá đất.

Khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc định giá đất là "Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất”.

Quy định là thế nhưng dưới góc độ kinh tế chỉ có khái niệm "giá thị trường" mà không có khái niệm về "giá phổ biến trên thị trường". Còn dưới góc độ pháp lý, giá đất phổ biến trên thị trường là mức giá có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong các giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất xác định từ chi phí, thu nhập của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, giá đất của các giao dịch đã thực hiện không phản ánh đúng giá cả thị trường do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, cả khách quan và chủ quan.

Giá đất luôn biến động do phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong khi khung giá và bảng giá đất do Nhà nước quy đinh lại cố định và áp dụng trong chu kỳ 5 năm, có độ trễ hơn rất nhiều so với biến động giá trên thị trường.

Thêm nữa, cũng không thể phủ nhận một thực tế là từ trước đến nay, giá đất do Nhà nước quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Giá đất quá thấp dẫn đến tình trạng khiếu kiện triền miên của người dân khi có đất bị thu hồi, là căn nguyên của tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, sai phạm trong quản lý đất đai khiến không ít cán bộ từ địa phương tới trung ương "ngã ngựa", vướng vào vòng lao lý.

Mới đây, Hội nghị Trung ương V khóa XIII đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay.

Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, người dân mong mỏi Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa bằng pháp luật, bằng các chính sách thiết thực để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “giàu lên nhờ đất, đi tù cũng vì đất”.