Vợ chồng chị Lan, anh Hoàng ở Khu đô thị Time City Hà Nội đã ly hôn gần 10 năm nay. Sau ly hôn, 2 vợ chồng chị đổi căn hộ rộng đang ở lấy hai căn hộ nhỏ hơn ở cùng tầng. Thế là vợ một căn, chồng một căn, chia tay, chia nhà nhưng vẫn ngày ngày mở cửa ra là nhìn thấy nhau, ra động vào chạm.

Từ khi ly hôn nhà ai người nấy ở, cơm ai người nấy ăn. Đứa con chung thích sang bố hay về với mẹ chả ai cấm cản. Không thấy chị Lan và anh chồng lườm nguýt, chê bai nói xấu nhau mà chuyên tâm làm ăn góp phần nuôi con và tìm cơ hội xây dựng hạnh phúc mới.

Mỗi năm, chị Lan đều cùng các con và chồng cũ đi du lịch nhiều ngày cùng nhau trong dịp hè. Vì chị cho rằng, bố mẹ ly hôn nhưng vẫn có thể xem nhau như bạn, cùng đi chơi và giúp đỡ nhau khi cần để bù đắp thiệt thòi cho con, để con vẫn cảm nhận có đủ cha mẹ và tâm lý con phát triển tốt. Chị dạy con cách thể hiện yêu thương, về lòng trắc ẩn, dạy con cách suy nghĩ tích cực và ứng xử văn minh với mọi việc xảy ra hàng ngày.

"Sau khi ly hôn thì cách cư xử của bố, mẹ đối với nhau rất quan trọng để khi gặp nhau con cái còn nhìn vào. Ngày sinh nhật, ngày 20/10, 8/3... 2 bố con vẫn cùng nhau đi mua quà tặng mẹ. Chẳng cần biết giá trị của món quà, chỉ biết đó là sự quan tâm của bố, con dành cho mẹ. Và chúng tôi cũng luôn tôn trọng nhau, tôi cũng hay quan tâm đến chồng cũ, bởi vì đấy chính là bố của các con tôi. Chúng tôi cố gắng giữ hình ảnh đẹp về nhau, tạo cho nhau không khí vui vẻ, thoải mái và các con cũng thế. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử văn minh".

Với anh Hoàng, nhìn các con được lớn khôn trong sự vui vẻ, anh cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình. Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, nhưng không có nghĩa là 2 người phải thù ghét nhau. Làm bạn với nhau để cùng nhau chăm sóc dạy dỗ các con nên người và cho chúng 1 gia đình khi có thể, đó là trách nhiệm của những người làm cha mẹ.

Theo nhà văn Dili, trong quá trình chung sống, khi có quá nhiều mâu thuẫn, bất đồng thì chuyện ly hôn là không thể tránh khỏi với nhiều cặp vợ chồng. Nhưng cách cư xử văn minh hậu ly hôn lại là điều rất quan trọng.

"Chúng ta thấy rằng nhiều đôi chia tay nhau vẫn hy vọng đôi bên trở thành bạn tốt, muốn vậy thì cần chia tay trong văn minh… Cách ứng xử khéo léo hậu ly hôn vừa có lợi cho bạn, cho con, vừa khiến người bạn đời (cũ-mới) nể phục". Nhà văn DiLi nhấn mạnh.

Trong sự đổ vỡ, không thể tránh những mất mát, nhưng giảm thiều mất mát như thế nào là điều người trong cuộc cần suy nghĩ. Quan trọng để “những người cũ” tiếp tục cuộc sống mới, còn con trẻ cũng đỡ tổn thương về tinh thần.

“Ứng xử văn minh” sau ly hôn là vậy.

Không ai đặt ra các quy tắc ứng xử cho các mối quan hệ đã kết thúc, nhưng ứng xử tử tế với vợ, chồng cũ chẳng phải sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn hay sao?

Nghe âm thanh tại đây: