Gửi thư về chương trình, một nữ thính giả tâm sự:
Em lấy chồng đã được gần 2 năm, hiện có một em bé gần 1 tuổi. Nhà chồng có 2 chị em, bố chồng đã mất, chị đã đi lấy chồng nên nhà chỉ còn 2 mẹ con. Ngày yêu nhau, chị chồng em khi đó đang ở cùng. Theo lời người yêu em, chị sang ở nhà ngoại vì chị sinh đôi, nhà chồng chẳng ai giúp đỡ.
Trước khi làm đám cưới, em hỏi anh, bao giờ chị về nhà chồng? Vì em thấy chị ở ngoại cũng hơn năm trời, 2 đứa nhỏ cũng đã cứng cáp hơn, chị có thể tự trông con được, vả lại, “xa thương, gần thường”, khi em về làm dâu sẽ rất khác lúc yêu nhau, chị em có thể va chạm nhiều hơn rồi dẫn đến xung đột thì không hay. Người yêu em khi đó động viên, chắc chị sẽ về nhà khi chúng em cưới, mọi chuyện sẽ không nặng nề như em nghĩ vì anh chị ấy cũng là người biết điều. Tin anh, em đã gật đầu đồng ý làm đám cưới. Vậy nhưng, mọi mâu thuẫn nảy sinh ngay tháng đầu em về làm dâu mà nguyên nhân cũng do chị chồng. Cưới về một thời gian ngắn sau em mới biết, chị chồng em mâu thuẫn với chồng và gia đình bên ấy. Chẳng hiểu chuyện gì mà nghiêm trọng đến nỗi nhà bên kia không muốn nhận con dâu, chồng chị ấy đã ký đơn nhưng vẫn còn tranh chấp về chuyện con cái nên chưa xong thủ tục ly hôn. Biết rõ mọi chuyện, em thấy quyết định lấy chồng của mình thật sai lầm. Em không chỉ phải chăm sóc mẹ chồng mà lại phải cáng đáng việc nhà của gia đình có tới 6 người, kể cả khi bụng mang, dạ chửa, em vẫn phải làm việc nhà cật lực vì nếu em không đụng tay tới thì nhà cửa rất bừa bãi mà em lại không thể để vậy mà sống được.
Ngay khi đẻ, em đã thấy con mình thiệt thòi hơn so với các anh, bởi bà nội không thể chăm sóc cháu bé vì dành thời gian cho 2 cháu ngoại, mẹ em thì ngại gia đình chồng em nên chỉ thỉnh thoảng tới thăm mẹ con em một chút rồi lại về, vậy là em vẫn phải cáng đáng làm hết mọi việc, từ chăm con, hút sữa, nấu cơm, giặt giũ của cả gia đình chồng. Chắc mọi người hỏi, vì sao em lại phải làm hết ư? Vì chồng và chị chồng em rất lười, họ không biết thương em đang nuôi con nhỏ nên cả 2 đều không động tay làm bất cứ việc gì. 2 người ấy chỉ biết đi làm, về tới nhà là ngồi chơi điện thoại rồi chờ em hoặc mẹ chồng nấu nướng, dọn mâm ra, khi cả gia đình ăn xong thì họ đứng dậy đi tắm, để nguyên mọi việc cho em. Đến nỗi có hôm em bận vì con quấy, chỉ ăn vội bát cơm rồi đứng lên chăm con, lúc sau quay lại, bát đĩa lổng chổng, nồi cơm, nồi canh ngổn ngang, bẩn thỉu không ai sắp xếp, dọn dẹp gì cả. Ngoài ra, quần áo của con nhỏ, chồng em cũng không bao giờ động tay tới.
2 năm nay, em thấy tinh thần chán chường, mệt mỏi và muốn buông xuôi tất cả, thế nhưng bố mẹ em lại rất cổ hủ, nếu em bỏ chồng, ông bà sẽ không chấp nhận. Em phải làm gì đây?
Chương trình có vài lời nhân vật như thế này:
Bản thân phụ nữ luôn mong muốn tìm được người bạn đời biết chia sẻ trong cuộc sống và được gia đình nhà chồng yêu quý. Thế nhưng vừa về làm dâu, bạn đã phát hiện ra những điều không hay về gia đình nhà anh ấy, điều này chẳng dễ chịu chút nào. Cùng với đó, khi sinh nở, đáng ra bạn được chăm sóc chu đáo, chồng cùng chung vai gánh vác việc nhà và chăm sóc con nhỏ, nhưng không, anh ấy ỉ lại, mặc kệ tất cả cho vợ khiến bạn quá mệt mỏi khi vừa chăm sóc con nhỏ, vừa chăm sóc gia đình lớn nên đã “nổi đóa” là điều dễ hiểu.
Hôn nhân là để hai con người gắn kết, yêu thương, cùng lo toan, chia sẻ buồn vui với nhau về mọi phương diện. Tuy nhiên, như bạn kể, điều này 2 vợ chồng bạn chưa đạt được vì chưa có được sự yêu thương, chia sẻ từ bạn đời của mình. Tôi nói điều này là vì dù thấy vợ rất vất vả với những công việc không tên từ chăm sóc con nhỏ, chăm sóc gia đình nhưng anh ấy vẫn làm ngơ, chỉ biết việc đi làm về rồi mặc kệ vợ với hàng núi công việc chồng chất.
Đúng là có rất nhiều người đàn ông có tư tưởng giống chồng bạn, trong suy nghĩ của họ, việc nhà, việc chăm con đương nhiên là việc của phụ nữ. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều người vẫn giữ nếp suy nghĩ cổ hủ, tự cho mình “quyền” chỉ lo những “việc lớn" mà không chịu thích nghỉ với xã hội hiện đại. Bởi phụ nữ ngày nay không chỉ quanh quẩn ở trong nhà để lo việc bếp núc, chăm con mà còn phải lo kinh tế và các công việc ở ngoài xã hội.
Với những gì bạn đã và đang phải gánh vác đúng là quá sức nhưng bạn cũng đừng để suy nghĩ tiêu cực lấn át tất cả, hãy thả lỏng bản thân, suy nghĩ tích cực lên, bạn ạ. Điều này rất có ích cho con trẻ, cho bản thân và cả gia đình nữa. Bạn có biết rằng, rất nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh không? nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh mắc bệnh này như: thay đổi nội tiết, thay đổi hormone, thay đổi về tâm lý, xã hội… Thực tế tại nước ta, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ, nhưng có tới 50% số đó không được các y, bác sĩ chẩn đoán, nhiều gia đình chưa biết hoặc chưa quan tâm đến căn bệnh này nên đã dẫn tới những hậu quả đau lòng. Bạn cũng nên tìm hiểu về điều này để có sự can thiệp kịp thời, nếu chẳng may mắc phải, bạn ạ.
Bạn đừng cố chịu đựng mà hãy nói ra điều này cho chồng biết, nếu anh ta là người có trách nhiệm, anh ấy sẽ thay đổi, còn nếu không cũng cần nói với mẹ chồng, chị chồng hoặc ai đó về những việc gia đình bạn đang trải qua. Bên cạnh để trút bỏ những hằn học, chịu đựng trong suy nghĩ thì đây cũng là biện pháp để họ khuyên nhủ và điều chỉnh cách sống của mình.
Người ta thường nói, 3 năm đầu của hôn nhân chính là thời gian nhiều thử thách nhất của bất kì cặp vợ chồng nào. Đây là thời gian ban đầu khi hai người hòa nhập hai cuộc sống khác biệt thành một, tập quen với việc sống chung một nhà, có thêm một gia đình, cùng giải quyết những vấn đề trong dòng họ hai bên. Ở cột mốc này, vợ chồng sẽ dần thấy những điểm chưa tốt, không hòa hợp ở nhau. Người ta thường nói, nếu không thể thay đổi được người khác, hãy cố gắng thay đổi mình. Hãy đừng để suy nghĩ tiêu cực làm mất đi hạnh phúc trong tương lai, bạn nhé. Chúc bạn vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc./.