Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào, liên quân Việt Nam - Lào tiến hành và giành được thắng lợi to lớn trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972 - 2022), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo do Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì. Tham gia Hội thảo có ông SẻngPhết-Hung-Bun-Nhuông, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và Quân đội; đại biểu tỉnh Xiêng Khoảng; đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An; các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sĩ quan…

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh khẳng định: Thắng lợi của Chiến dịch đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Lào, tạo thế phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 trở thành biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ta và bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào, để lại nhiều bài học quý về lý luận và thực tiễn phát triển của nghệ thuật chiến dịch.

“Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng 1972; kỷ kiệm “Năm hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào” - 60 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022); là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện thắng lợi phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào hôm nay và mai sau. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời tiếp tục tăng cường củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới” - Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.

Đầu năm 1972, thực hiện quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương ta quyết định tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và vũ khí trang bị tổ chức tiến công địch trên 3 hướng: Đông Nam Bộ, Trị - Thiên và Tây Nguyên. Đồng thời, phát huy thế liên hoàn chiến trường, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào thống nhất: Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972, ta và bạn chủ động tổ chức phòng ngự, kiên quyết không để địch tái chiếm địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, giữ vững thế chiến lược của cách mạng Việt Nam và Lào ở Thượng Lào, bảo vệ “sườn phải” cho hai chiến dịch của ta diễn ra ở Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.

Thực hiện chủ trương đề ra, đầu tháng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương ta và Bạn quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Lực lượng tham gia chiến dịch: Về phía Việt Nam, gồm có 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh; phía Lào, gồm có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội địa phương. Đây là lần đầu tiên ta và Bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào.

Về phía địch, mặc dù thất bại nặng trong mùa khô 1971 - 1972, nhưng chúng ra sức tăng cường lực lượng, hòng thực hiện cuộc tiến công chiến lược vào Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, địch đã tập trung ở Quân khu 2 tới 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, được không quân Mỹ chi viện. Từ ngày 21 tháng 5 năm 1972, không quân địch đánh phá dữ dội vào các điểm cao trọng yếu ở khu trung gian. Đến ngày 25 tháng 5, bộ binh địch chính thức mở cuộc tiến công vào khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Dựa vào thế trận phòng ngự được ta và Bạn chuẩn bị khoa học, vững chắc, có chiều sâu, bằng cách đánh mưu lược, sáng tạo, trải qua 179 ngày đêm (21/5 - 15/11/1972) liên tục chiến đấu, liên quân Việt Nam - Lào đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum. Liên quân Việt Nam - Lào đã đánh tổng cộng 244 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch; đánh bại 8 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại… Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 đánh dấu bước trưởng thành lớn về nhận thức, tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật và cách đánh trong điều kiện phòng ngự kéo dài suốt mùa mưa, khả năng tiếp tế khó khăn. Việc tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trong mùa mưa năm 1972 đã làm thay đổi cục chiến trường có lợi cho cách mạng Lào, tạo thế phối hợp hiệu quả với chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Chiến thắng đó in đậm mốc son trong dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam, một trong những biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đây là thắng lợi của một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh được ta và bạn tổ chức trên chiến trường Lào, với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, để lại nhiều kinh nghiệm quý, góp phần làm phong phú lý luận về nghệ thuật chiến dịch.

Là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt, Nghệ An là cầu nối giữa hai miền Nam - Bắc, phía Tây tiếp giáp với 3 tỉnh Bô Li Khăm Xay, Hủa Phăn và Xiêng Khoảng nước bạn Lào; trong đó, Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là vùng giải phóng quan trọng nhất của cách mạng Lào. Tham gia các hoạt động phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân tỉnh Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972, Nghệ An đã điều động 02 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội binh chủng và Đại đội 211 của huyện Tương Dương cùng 1.000 dân công hỏa tuyến trực thuộc Mặt trận 772 trong Chiến dịch 972 do Quân khu 4 tiến hành tại chiến trường Lào.

TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tự hào khi nói đến những thắng lợi mà các lực lượng của Nghệ An giành được tại Mặt trận 772, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thắng lợi của Chiến dịch này đã tạo thế, tạo lực để Quân đội cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào đẩy mạnh kháng chiến, tiến tới ký kết hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (21.2.1973), tạo điều kiện quan trọng để cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, thiết lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2 tháng 12 năm 1975.

Có thể nói chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 do liên quân Việt - Lào tiến hành là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về quân sự và chính trị. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, quân đội hai nước Việt Nam - Lào liên minh, phối hợp triển khai phòng ngự ở quy mô cấp chiến dịch, đánh bại hoàn toàn kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan dưới sự chi viện của không quân Mỹ.

Đại tá Quân đội nhân dân Lào Vôngxây Inthakhăm, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: Thắng lợi của Chiến dịch một lần nữa khẳng định vai trò, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, của liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào với sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân Lào. Chiến thắng này đã để lại nhiều bài học quý trong việc xây dựng, củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, đúc rút nhiều kinh nghiệm làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam để vận dụng vào xây dựng thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

50 năm đã trôi qua, nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng vẫn vẹn nguyên giá trị. Kết quả Hội thảo “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm” một lần nữa góp phần làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của chiến dịch; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp đổi mới đất nước, để những giá trị lịch sử mãi mãi trường tồn cùng sự phát triển của hai dân tộc Việt Nam và Lào./.