Giờ đây khi nhắc lại những năm tháng ác liệt “quần nhau” với địch trong chiến dịch Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, CCB Trần Văn Vụ- Trưởng ban liên lạc 195 mặt trận Lào còn day dứt khi chưa gắn được bia mộ cho người chính trị viên dũng cảm của trận đánh năm ấy. “Ân hận của tôi đến giờ phút này là chưa tìm được danh tính cho đồng chí Đặng Văn Huyền và bản thân tôi cũng cố gắng bằng bất cứ giá nào làm việc với Cục người có công - Bộ LĐ-TB &XH và đồng đội tôi. Tôi mong chương trình giám định gen sớm hoàn thành để chúng tôi được gắn bia cho đồng đội mình, hàng năm con cháu thắp hương tưởng nhớ"- CCB Trần Văn Vụ chia sẻ.
Thiếu uý, chính trị viên đại đội Đặng Văn Huyền là đồng đội của CCB Trần Văn Vụ cùng tiểu đoàn xe tăng 195 thuộc binh chủng xe tăng thiết giáp, khi đó nhận nhiệm vụ hành quân sang chiến đấu tại nước bạn Lào. Ngày 18/3/1972 tiểu đoàn 195 sử dụng 3 xe thiết giáp K63 với các số hiệu 036, 093, 096 và xe kéo tăng 818 phối hợp cùng e141/f312 tiến công tiêu dịch địch đóng trên dẫy Vành Khăn. Tại mỏm 2, hai xe thiết giáp đột phá vào cổng chính, địch phát hiện thấy không phải tăng 34 và không có bộ binh đi kèm phía sau nên đã ngoan cố chống cự, địch xông ra bám vào thành xe K63 số 093. Tám chiến sĩ trong xe bất ngờ bật nắp xe, dùng súng bộ binh và lựu đạn diệt địch. Địch bị diệt một số, số còn lại bỏ chạy, xe K63 số 036 xông ra chặn đường diệt và bắt sống 130 địch. Trong trận này, chính trị viên đại đội Đặng Văn Huyền đã anh dũng hy sinh trước giờ chiến thắng.
“Tôi được phân công lái xe tăng T34, trưởng xe là đồng chí Đặng Văn Huyền, thiếu uý, chính trị viên đại đội. Khi xe bọc thép 036 bị dây thép gai cuốn vào xích không chạy được thì đồng chí Huyền ra ngoài kiểm tra thì bị một viên đạn bắn trúng bụng. Đồng chí ôm bụng gục xuống hàng rào dây thép gai hy sinh anh dũng"- CCB Trần Văn Vụ kể lại giây phút đồng đội mình hy sinh.
LS Đặng Văn Huyền sinh năm 1942 quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. 20 tuổi chàng thanh niên Đặng Văn Huyền lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại nước bạn Lào. Dù chiến tranh gian khổ nhưng với ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, giành độc lập cho dân tộc, đồng chí Huyền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí Huyền đã anh dũng hy sinh là sự mất mát lớn của tiểu đoàn xe tăng 195 nói riêng và binh chủng tăng thiết giáp nói chung. Vì thế sau khi hy sinh, đồng chí Đặng Văn Huyền được phong quân hàm trung uý, truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Đơn vị đã phát động toàn đoàn 195 học tập theo gương đồng chí Huyền.
Sau lần di chuyển từ nghĩa trang Việt Lào về nghĩa trang Anh Sơn, Hà Tĩnh, mộ phần của LS Đặng Văn Huyền đã được chôn tại mộ hàng 1, Số 1, điểm cao 1348, toạ độ 240760 tại nghĩa trang nhưng chưa được gắn biển tên mộ vì chưa xác định được gen của thân nhân. Đó cũng là nỗi băn khoăn, day dứt của gia đình liệt sỹ. “ Cho dù hài cốt bố tôi không còn nguyên vẹn thì dù gì đi chăng nữa gia đình vẫn tin tưởng sẽ được các cấp chính quyền, đội quy tập đưa bố tôi về. Trong suốt thời gian đi tìm hài cốt của bố, mãi tới năm thứ 42 sau ngày bố hy sinh, tôi mới nhận được thông tin bố tôi được Nhà Nước công nhận liệt sĩ. Ngôi mộ đó được công nhận nhưng chưa có tên. Thời gian từ 2010 đến nay, bao buồn vui, mẹ tôi và gia đình đều chấp nhận, đó là sự cống hiến của bố tôi” - anh Đặng Văn Huy- con trai của liệt sĩ Huyền nghẹn ngào chia sẻ.
Trong thời gian tham gia 3 chiến dịch lớn tại Lào, đó là các chiến dịch 139, Chiến dịch Mùa khô năm 1971-1972, Chiến dịch Phòng ngự cánh đồng Chum mùa mưa 1972 và trước đó là nhiệm vụ tiền trạm giúp lực lượng Trung lập, Pathet khắc phục, sửa chữa xe tăng, Tiểu đoàn xe tăng 195 có gần 50 liệt sỹ hy sinh tại mặt trận cánh đồng Chum Xiêng Khoảng trong đó có 30 liệt sĩ chưa được gắn tên trên mộ. Đó là nỗi day dứt của những người may mắn hơn đồng đội đã ngã xuống, được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Những người lính cựu xe tăng vẫn giữ truyền thống “ Anh dũng trong chiến đấu- Sáng tạo trong xây dựng- Nhân ái trong xử thế” và họ luôn mong mỏi chương trình xác định gen thân nhân các liệt sĩ được hoàn thiện nhanh hơn để trả lại tên cho các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc hôm nay.