Khi người mua chỉ biết đặt niềm tin vào chữ “tâm” của người trồng hoa

Dù năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng gần Tết Nhâm Dần, tại các địa điểm chợ hoa xuân ở thủ đô Hà Nội vẫn khá tấp nập người mua, bán hoa, cây cảnh trang trí.

Để có được những bông hoa đẹp, nở đúng vào dịp Tết như thế này, một người trồng hoa cho biết là họ phải liên tục phun thuốc bảo vệ thực vật theo từng thời điểm để chống sâu bọ, nấm mốc cho cây.

Dù cũng biết điều đó nhưng nhiều người chơi hoa không quá để tâm. "Có 1 vài loại hoa có sử dụng hoá chất để bảo quản nên cũng có lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bởi vì trong phòng kín buổi tối thường đóng cửa thế nên khi mình hít thở bầu không khí đấy thì có khả năng hít phải những hoá chất. Nhưng vì chơi hoa ngày Tết chỉ 1 vài ngày ngắn thôi thế nên nhà tôi không quan tâm nhiều đến việc nó sử dụng hoá chất như thế nào và ảnh hưởng ra sao, chưa quan tâm vấn đề đấy lắm", Phương Mai, một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ.

Thuốc bảo vệ thực phẩm hiện nay có loại có nguồn gốc sinh học tương đối an toàn nhưng nhiều vùng chuyên canh hoa thường sử dụng các loại thuốc hóa học vì cho hiệu quả nhanh chóng. Ngày Tết không thể thiếu cây hoa trang trí và người mua hàng đành đặt niềm tin vào cái “tâm” của người trồng hoa.

Không dễ nhận biết loại hoa cây cảnh có tồn dư thuốc lớn

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hoa cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả, vấn đề mức độ ảnh hưởng của các loại thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe của người chơi hoa và cả những người trồng hoa, phụ thuộc vào: thứ nhất là độ độc tính của thuốc. Sẽ có các mức độ an toàn, cảnh báo, nguy hiểm, mức độ độc và mức độ rất độc thì phụ thuộc vào người sản xuất họ chọn loài thuốc nào.

Thứ hai là giai đoạn sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng vào giai đoạn cây con, giai đoạn ra hoa, giai đoạn tiền thu hoạch hay thời gian trước khi tiêu thụ bao nhiêu lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến tác dụng cũng như phản ứng của thuốc, tàn dư còn lại của thuốc đối với những người tiếp xúc trên cây hoa đó. “Tất nhiên là với khoảng thời gian ngắn và không gian tiếp xúc chật hẹp thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người tiếp xúc nó”, chị Hồng Nhung nhấn mạnh.

Nếu các loại hoa cây cảnh được sử dụng những loại thuốc phòng trừ nấm bệnh thì thường có 1 lớp phấn màu trắng hoặc phấn xanh, phấn vàng ở mặt trên của lá. Tuy nhiên, 1 số loại thuốc phòng trừ sâu bọ không có lớp phấn đấy nên người tiêu dùng rất khó nhận biết.

Lưu ý chơi hoa cây cảnh để đảm bảo an toàn

Nếu trang trí ở trong phòng, nên chọn loại hoa cây cảnh có mùi thơm nhẹ hoặc không có mùi. Ví dụ trong nhóm hoa ly có rất nhiều chủng loại, giống ly thơm mùi đậm và có thể sẽ ảnh hưởng đến 1 số người mà trong không gian chật hẹp có thể sốc mùi. Nhu cầu của mình là vẫn chơi hoa ly màu sắc sặc sỡ thì mình có thể chuyển sang nhóm hoa ly không thơm.

Không nên trồng cây có tán rộng um tùm, nó sẽ tạo độ ẩm, nơi độ ẩm cao sẽ tạo cơ hội cho vi sinh vật phát triển gây ra những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Không nên chọn những cây có gai và lá sắc nhọn khi để trong phòng.

Một lưu ý nữa khi trang trí hoa cây cảnh trong ngày Tết, đó là nên loại bỏ bao phấn đi để tránh dị ứng và loại bỏ hết các tác nhân gây bệnh như lá già, sâu bệnh hay cỏ dại. Khi mình nhìn thấy ở trên bề mặt lá có một lớp có thể là phấn màu trắng hoặc màu xanh, hoặc màu vàng nhạt, mình nên tiến hành xịt rửa và lau sạch đi để tránh tiếp xúc với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đồng thời giúp lá bóng đẹp hơn, tăng giá trị thẩm mỹ hơn.

Đối với trẻ nhỏ mình nên nhắc nhở trẻ không nên hít ngửi các loại hoa vì hoa là nơi hấp dẫn các loại côn trùng thì các loại côn trùng, có thể gây hại cho trẻ, Nhắc trẻ không được vặt lá vì 1 số loại cây có nhựa hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi tiếp xúc qua da, miệng sẽ gây dị ứng và ngộ độc cho trẻ.

Khuyến cáo đối với người trồng hoa

Đối với những người sản xuất, thứ nhất tạo môi trường tốt nhất cho quá trình sản xuất như là điều kiện canh tác phải sạch, chọn giống phải tốt. Giống tốt ở đây là có khả năng chống chịu sâu bệnh hại thì sẽ ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn.

Nếu đã phát sinh những trường hợp bị bệnh, chị Hồng Nhung khuyên nên sử dụng các biện pháp sinh học. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng, nên sử dụng theo nguyên tắc tối thiểu, tức là sử dụng phù hợp theo giai đoạn, theo nhu cầu.

“Người sản xuất phải có quá trình theo dõi, giám sát hoặc có sự tư vấn của chuyên gia để xác định chính xác giai đoạn cây con này hay bị bệnh gì hay cần bổ sung dinh dưỡng gì chứ không sử dụng phối trộn các loại thuốc, các loại phân một cách tràn lan, gây lãng phí cũng như ngộ độc đến chính bản thân người sản xuất và sau nữa là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.”, chị Hồng Nhung lưu ý.