Tỷ lệ cao thì vòng đời ngắn, tỷ lệ thấp vòng đời dài

Tại điều 78, chương 4 của Nghị định 08/2022 NĐ-CP: “Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện”. Còn tại cột 4, Phụ lục kèm theo có ghi rõ tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên. Ví dụ nhựa PET cứng là 22%, giấy carton là 20%, săm lốp các loại là 5%...

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ sở đê Bộ đưa ra tỷ lệ tái chế bắt buộc, đó là dựa vào vòng đời sản phẩm.

"Tuổi thọ sản phẩm càng cao thì tỷ lệ tái chế bắt buộc càng thấp. Ví dụ như lốp ô tô, vòng đời từ 30-40 năm, trong khi bao bì 3-6 tháng, túi nilong lại càng ngắn thì tỷ lệ tái chế càng cao".

Trên thế giới khi thực hiện Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng dựa trên cơ sở này. Tỷ lệ tái chế cao thì vòng đời sản phẩm thấp còn tỷ lệ tái chế ít tức tuổi thọ sản phẩm dài.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc thay đổi 3 năm một lần

Trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo này, nhiều nhà sản xuất cho rằng tỷ lệ tái chế bắt buộc này là cao, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch vovid-19. Thế nhưng các doanh nghiệp tái chế lại cho rằng mức tái chế bắt buộc này vẫn còn khá thấp so với năng lực cũng như động lực để nhà đầu tư nhảy vào thị trường tái chế. Cuối tháng 11 năm ngoái, Hiệp hội giấy đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp để đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc và không lùi thời hạn áp dụng EPR.

Ông Phan Tuấn Hùng cho rằng đây không phải là quy định mới mà là cách tiếp cận mới. "Là đơn vị xây dựng chính sách, chúng tôi phải tìm sự cân bằng, đồng thuận và phải đi từ từ. Lộ trình 3 năm tăng một lần để phù hợp với thực tế".

Phần lớn các chuyên gia đều khẳng định cần thiết phải có tỷ lệ tái chế bắt buộc, nó giống như hệ tham chiếu để doanh nghiệp có thước đo trong kế hoạch sản xuất và thu hồi, tái chế sản phẩm bao bì của mình. Thế nhưng, tỷ lệ ban đầu cần thấp và nâng lên từ từ nếu như VN không muốn bị “mắc cạn” trong chính quy định của mình.

Nghe bài viết tại đây: