Báo cáo của đoàn Giám sát Quốc hội về "Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cho thấy: 5 năm qua có hơn 6.200 dự án được Nhà nước giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích gần 310.000 ha. Nhiều dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như dự án khu dân cư, đô thị... nhưng đã chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí.

Chẳng hạn, giai đoạn 2016 - 2020, Bình Dương có 3.086 ha đất chuyển mục đích trái phép khá lớn. Tương tự, Đồng Nai là 126 ha, TP.HCM là 7 ha...

Thậm chí, loạt dự án trong tình trạng đất để hoang hóa kéo dài hàng chục năm. Công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều, phổ biến 1-2 năm, và cá biệt có dự án sau 15 năm từ ngày bàn giao đến nay vẫn bị bỏ hoang.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: Diện tích đất để hoang vì chậm đi vào sử dụng là sự lãng phí lớn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Vì nếu như dự án được triển khai nhanh, kịp thời không chỉ đưa đất vào sản xuất có hiệu quả mà giá trị tạo ra từ đất là doanh thu, lao động, việc làm, tiền thuế mà doanh nghiệp đóng góp cho Nhà nước để quay vào đầu tư hạ tầng, kinh tế xã hội. Người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì họ sẽ mất đi cơ hội để sản xuất, kinh doanh và những hoạt động phục vụ cho đời sống chừng mực nào đó bị tước bỏ. Đó là chưa kể các hạ tầng xung quanh không được hoàn thiện. Quan trọng hơn, những doanh nghiệp khác có ý tưởng, mong muốn đầu tư mất đi cơ hội.

Trên thực tế hiện nay, việc áp dụng hình thức giao đất và cho thuê đất để thực hiện các dự án không thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất. Đây chỉ là 1 trong vô vàn bất cập trong Luật Đất đai 2013.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này đầu tiên là do quy định của Luật đất đai chưa rõ ràng, chưa hợp lý như việc miễn tiền thuê đất, có thể là miễn suốt đời dự án hoặc trong một thời hạn nhất định, thực chất của việc miễn tiền thuê đất 1 thời gian nhất định là giảm tiền thuê đất. Hoặc có những trường hợp không xác định phải đấu giá hay giao đất không thông qua đấu giá.

Thứ hai, có những quy định của Luật Đất đai không tương thích với những luật khác. Ví dụ Luật chỉ cho giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, thế nhưng Luật Đấu thầu lại quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Những vi phạm pháp luật về đất đai do cố ý rất nhiều nhưng cũng có những người dù đã cố gắng làm đúng hướng dẫn nhưng vẫn vi phạm vì chồng chéo luật.

Tại nghị trưởng Quốc hội ngày 31/10 thảo luận về tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đã đưa ra lời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn. Cụ thể như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý.

Một trong những điểm mới được đề cập trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là bổ sung các nội dung công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải công khai minh bạch và phải có cơ sở đầu tiên về dữ liệu đất đai và phải có cách nào đó để người dân tiếp cận thuận lợi, dễ dàng nhất “không phải cứ treo ở trụ sở hay là trên trang web của UBND mà gọi là minh bạch được, vì không phải ai cũng có thể tiếp cận được những văn bản đó, mà phải đưa đến tận tay người dân”.

Tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về đất đai đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung trao đổi của VOV2 với ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội về vấn đề này tại đây: