Theo thống kê từ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, cho đến nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố rơi vào khoảng 7.000 tấn/ngày, được tiếp nhận và xử lý hằng ngày vào khoảng 6.500 tấn, trong đó có một lượng không hề nhỏ là rác thải nhựa, túi nilong. Trong môi trường tự nhiên, phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, túi nilon mới có thể phân hủy. Nếu có dịp đi qua các bãi tập kết rác của thành phố hay các vỉa hè, góc phố, chợ… chúng ta sẽ cảm nhận được tác hại của túi nilon.

Do đặc tính khó tiêu hủy trong tự nhiên, chất thải nhựa, túi nilon đang trở thành một thách thức lớn đối với cuộc sống, tác động ngày càng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, để thay đổi nhận thức của cộng đồng về thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon, sáng chủ nhật hàng tuần, 1 nhóm bạn trẻ lại ra các hồ và nhiều điểm mua sắm trong khu vực quận Hai Bà Trưng để nhặt và vận động mọi người không dùng túi nilon.

Dự án “Dùng túi nilon là không phong cách” chính là thông điệp về bảo vệ môi trường mà các bạn trẻ gửi tới cộng đồng. Ban đầu chỉ với 20 người, giờ đây dự án đã có hơn 300 tình nguyện viên, hầu hết là học sinh, sinh viên. Các bạn khi tham gia đều được tập huấn và tìm hiểu về nilon, cách tiếp cận để tuyên truyền tới cộng đồng 1 cách có hiệu quả nhất. Lưu Thị Quyên - sinh viên Đại học Ngoại thương - Phó Giám đốc dự án cho rằng: Phần lớn mọi người đều biết đến sự tiện lợi khi sử dụng túi nilon nhưng những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người dùng cũng như tới môi trường thì không mấy người quan tâm. Đây chính là điều quan trọng để các tình nguyện viên trong nhóm tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến người dân và cộng đồng về việc hạn chế sử dụng nilon.

Dù việc học tập cũng khá bận rộn nhưng nhiều bạn trẻ đến từ các trường Đại học khác nhau ở Hà Nội vẫn đang miệt mài thu gom, nhặt nhạnh các túi nilon bị vứt bừa bãi trên hè phố, quanh kè hồ, dưới hồ, có bạn thì phát tờ rơi và nhắc nhở, vận động những người đi đường không dùng túi nilon và vứt rác đúng nơi quy định...Theo Trần Ngọc Hương, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kỹ thuật công nghệ cách tuyên truyền hiệu quả nhất và cũng phù hợp nhất với bạn trẻ đó là thay đổi từ đời sống sinh hoạt của mình và nói với bố mẹ mình. Hương cũng không dấu được sự tự hào khi tham gia vào hoạt động tuyên truyền ý nghĩa này. “Được tự tay vẽ các poster và trực tiếp xuống đường tuyên truyền; được người đi đường dành cho ánh mắt thiện cảm, những lời động viên và sự hưởng ứng, chúng em thấy rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé để bảo vệ môi trường…" - Hương cho biết.

Với các khẩu hiệu ấn tượng như: “Túi nhựa 1 lần – ngàn cân rác thải”, “Nói không với túi nilon”, “Dùng túi nilon là không phong cách”, “Nilon tiện một phút - hại Trái đất trăm năm”, “Cốc giấy thân thiện có tiện hơn không”, “Không túi nilon không sao cả”, “Rác thải trắng sống là không sự sống”, “Đi chợ bằng làn muôn vàn tiện lợi”, “Túi nhựa hôm nay – cái chết ngày mai”… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân.

Trước đây, Lưu Hải Ly - học sinh trường Phan Đình Phùng vẫn có thói quen sử dụng túi nilon, nhưng từ khi tham gia dự án này, em đã thay đổi thới quen của mình. Ly cho rằng: để bảo vệ môi trường, không nhất thiết phải là những việc làm lớn lao, mỗi người hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như: hạn chế sử dụng túi nilon, không vứt rác bừa bãi...

Hành trình của những người trẻ đến với cộng đồng ở từng góc phố, ngõ chợ để tuyên truyền không sử dụng nilon vẫn còn dài. Với hơn 300 tình nguyện viên và ban quản lý dự án, những chuyển biến nhỏ về nhận thức và hành động của mọi người về nilon trong việc bảo vệ môi trường là niềm vui lớn và cũng là nguồn động viên để những bạn học sinh - sinh viên cùng chung tay xây dựng một môi trường trong sạch./.

Mời nghe phóng sự tại đây: