“Tôi bán hàng ăn. Trước chưa có dịch bệnh, công việc và thu nhập cũng tương đối ổn định. Nhưng từ ngày dịch bệnh đến giờ thì rất khó khăn. Trong khi vẫn phải trả tiền nhà thuê”, bà Nguyễn Thị Thúy, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông bắt đầu câu chuyện bằng những lời chia sẻ chân thành như thế. Nhiều năm buôn bán ở đất Hà Thành, có lẽ chưa bao giờ bà Thủy rơi vào tình trạng mưu sinh khó khăn như giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, khi được là một trong những hộ đầu tiên nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ và Nhà nước, bà mừng đến rơi nước mắt. Dẫu số tiền không lớn, những ở vào thời điểm này, nó sẽ giúp gia đình bà giải quyết được rất nhiều khó khăn đang bủa vây.

“Tôi rất vui và cảm ơn chính sách Nhà nước đã hỗ trợ, ủng hộ chúng tôi, tuy nhỏ thôi nhưng trong thời dịch bệnh này giúp cho chúng tôi một phần nào bớt khó khăn. Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng và thấy thủ tục đơn giản, không khó khăn, dễ hiểu”, bà Thúy chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng như bà Thúy, chị Lê Thị Hiền, làm nghề cắt tóc gội đầu cũng cảm nhận rất rõ những giá trị nhân văn vô cùng lớn từ chính sách an sinh 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68. Theo chị Hiền, số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng đến đúng thời điểm khi mà thu nhập của cả gia đình không còn biết bám víu vào đâu, như một sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để chị vững tin vượt qua giai đoạn thử thách này.

“Từ lúc dịch Covid-19 phức tạp, tôi phải nghỉ việc và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt gia đình cũng như là mưu sinh. Tôi rất vui vì được hỗ trợ ít nhiều để cuộc sống đỡ vất vả hơn”. Không chỉ mừng vì được quan tâm, điều mà chị Hiền cảm thấy vui hơn, đó là chính là trình tự các bước hoàn thiện thủ tục hồ sơ trong chính sách lần này rất nhanh nhanh chóng và đơn giản.

Quy trình, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo việc người dân được hưởng thụ chính sách một cách kịp thời, là mục tiêu được Hà Nội đặt ra và phân quyền để các quận, huyện, thị xã….triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy, ngay sau khi thành phố có quyết định chính thức, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình ngay với lãnh đạo quận ban hành kế hoạch và quyết định thành lập tổ chức triển khai. Trong đó Bảo hiểm xã hội quận là một trong những đơn vị đi tiên phong trong vấn đề triển khai. Đến thời điểm này, trên địa bàn quận đã thực hiện giảm quỹ hưu trí tử tuất cho 5 đơn vị. Giảm mức bảo hiểm tai nạn lao động cho gần 9.000 doanh nghiệp, trị giá trên 3,9 tỷ. Quận Cầu Giấy xác định trọng tâm để làm sao triển khai chính sách này một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và đúng đối tượng.

Bà Đỗ Minh Loan, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho biết, đối với nhóm lao động tự do, trình tự, thủ tục được rút gọn và đơn giản hơn nhiều so với khi triển khai nghị quyết 42 trước đây. Quận Hà Đông xác định phải đảm bảo minh bạch, công khai và tạo được sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Công tác tuyên truyền, triển khai, hướng dẫn thủ tục hồ sơ được niêm yết công khai, minh bạch làm chặt chẽ từ dưới cơ sở. “Đến thời điểm này đã có những công dân đầu tiên tiến hành nộp hồ sơ tại các cơ quan chức năng đề nghị xem xét hỗ trợ”, bà Loan thông tin.

Theo chính sách lần này, những lao động tự do gồm: Nhân viên quán karaoke, quán bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động theo công điện của UBND thành phố sẽ được hỗ trợ. Ngoài ra, những lao động tự do khác cũng được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Để nhận hỗ trợ, người lao động tự do cần lập hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ (tên tuổi, quê quán, số căn cước, công việc chính, nơi làm và thời điểm mất việc); bản phô tô sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.

Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại. Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tới đây Sở sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách hỗ trợ và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền. Sở cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị giải đáp thắc mắc của người dân, người sử dụng lao động và người lao động trong việc triển khai trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này. (Số điện thoại đường dây nóng: 0243.834.4643)