Theo kế hoạch, từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra khí thải đối với 3.000-5.000 xe máy cũ, đồng thời thu hồi và hỗ trợ những chủ các xe tự nguyện thải bỏ với mức từ 0-4 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên VOV2, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để chính quyền Hà Nội nên xem xét lại mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện kế hoạch.

Phóng viên: Thưa ông! Trước tiên xin ông cho biết quan điểm của mình như thế nào về kế hoạch thu hồi xe máy cũ, hỗ trợ mua xe máy mới của thành phố Hà Nội?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, đây là một chính sách đúng. Đúng vì sao? Một thành phố gần 10 triệu dân, tức là siêu đô thị như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, thì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng cấp bách. Nó tác động rõ rệt đến cuộc sống của người dân. Xe máy là một trong những yếu tố gây ra khí thải, tất nhiên trong đó có cả ô tô. Xe máy càng cũ thì tỷ lệ khí độc hại thải ra càng nhiều. Khí độc hại bao gồm nhiều chất như ô-xít ni-tơ, các-bon-níc và một số chất gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhất là lá phổi của con người. Do đó, việc hạn chế những xe máy cũ, nát quá hạn hoặc hư hỏng rõ ràng là chủ trương đúng.

Phóng viên: Theo quy định, mức hỗ trợ với người có nhu cầu “đổi xe cũ lấy xe mới” dao động từ 2-4 triệu đồng/xe tùy theo loại xe. Ông đánh giá như thế nào về mức hỗ trợ này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Người dân khó khăn thì mới dùng xe máy cũ nát chứ nếu không thì người ta cũng chả thích dùng xe đấy làm gì. Tôi đề nghị khi chúng ta kiểm định mà thấy xe nó cũ nát quá thì có thể thu hồi nhưng cần đền bù nhiều hơn cho người ta. Theo quy định hiện tại, đền bù mức cao nhất là 4 triệu thì tôi thấy hơi thấp. Vì để mua xe máy mới người dân phải bỏ ra thêm tầm 10 triệu nữa. Họ lấy 10 triệu này ở đâu ra? Họ biết tìm nguồn ở chỗ nào để bổ sung vào? Điều này khiến họ phải cân nhắc. Nên chăng các doanh nghiệp hoặc các thể chế tài chính có thể bổ sung để đền bù cho người dân từ 6 triệu – 8 triệu tùy theo loại xe máy. Điều này tạo thêm điều kiện cho người dân mua được xe mới với giá từ 12-15 triệu, xe như vậy mới có thể dùng để làm phương tiện làm ăn.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, chủ sử dụng xe máy cũ chủ yếu là người có thu nhập thấp, thậm chí với nhiều người đó còn là “kế mưu sinh”. Điều này khiến cho Hà Nội gặp khó khăn gì khi triển khai kế hoạch?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Cách đây mấy năm chúng ta đã làm nhưng thất bại vì người dân không hưởng ứng và vì việc triển khai thiếu thực tế, thêm nữa là do đời sống của người dân còn khó khăn. Phải nói rằng hiện nay số lượng người nghèo và cận nghèo cũng vẫn còn cao. Họ hầu hết ở nông thôn ra Hà Nội mưu sinh. Họi coi xe máy là kế mưu sinh, là phương tiện nuôi cả gia đình. Một nông dân muốn bỏ ra vài triệu là một vấn đề. Một cân gạo họ bán ra được vài chục nghìn, trong khi đó một cái xe máy tính bằng tiền triệu. Nếu không có xe máy đó, dù cũ thì họ không đi làm ăn được. Như người thợ hồ, anh thợ sơn và nhiều người, phải có cái xe ấy họ mới đi vào các ngõ ngách để làm ăn được. Do đó khi chúng ta ban hành một chính sách mà không hợp lý thì họ không hưởng ứng. Nếu bù trừ cho người ta 0-4 triệu thì họ sẽ nghĩ cách để không ủng hộ. Ví dụ, người ta sẽ không đến đăng ký hoặc sẽ tránh những chốt kiểm tra và nhiều cách khác nữa để không tuân thủ yêu cầu của thành phố. Pháp luật hiện cũng chưa có điểm nào quy định việc thu hồi những xe quá hạn hoặc tiêu chuẩn về khí thải không đạt. Do đó việc hiện thực hóa chính sách này sẽ khó khăn.

Phóng viên: Theo ông, để triển khai thành công, Hà Nội nên có lộ trình như thế nào để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời giúp người dân sở hữu những phương tiện mới, có độ an toàn cao hơn?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta không thể chỉ làm trong 1-2 năm được. Theo tôi phải có lộ trình kéo dài từ 3-5 năm. Chúng ta kéo dài mà nó phù hợp với thực tế thì vẫn hơn làm sớm mà không thực tế. Mỗi năm, chúng ta làm từ 5.000 – 10.000 xe thì chúng ta vừa có đủ kinh phí, vừa dàn trải kinh phí ra, làm có tích chất cuốn chiếu. Như vậy chúng ta tổ chức dễ hơn mà tính hiện thực cao, vấn đề kinh phí cũng không quá căng thẳng. Tôi kiến nghị các doanh nghiệp bán xe máy hoặc sản xuất xe máy nên đóng góp cùng với thành phố thì sẽ giảm bớt được kinh phí từ ngân sách nhà nước, nhờ đó việc hỗ trợ thêm kinh phí cho người muốn đổi xe cũ, mua xe máy sẽ dễ hiện thực hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nghe nội dung phỏng vấn dưới đây: