Về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông yêu cầu, việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
"Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, chuyên môn, Bộ đã tăng cường chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu các nhà xuất bản thực hiện xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần. Các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này. Bên cạnh đó đã quy định cấu trúc, nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh… Hiện nay Bộ đang chỉ đạo, ban hành một thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể, hiệu quả hơn" - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo Dục tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo nhà xuất bản cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, một trong những giải pháp quan trọng là Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.
Trước những câu hỏi đặt ra về việc tăng học phí, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vấn đề này được quy định trong Nghị định 81, có hiệu lực từ tháng 10/2021 nhưng chủ yếu áp dụng cho năm học 2022 - 2023.
“Nghị định 81 quy định học phí theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình, trong đó các địa phương căn cứ tình hình thực tế để quyết mức học phí, một số địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như Hải Phòng. Đối với các trường đại học, cũng theo nghị định 81, nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên một phần, tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần của nghị định.T rường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế được thu đạt mức kinh tế, kỹ thuật do nhà trường tính toán, quyết định, là quyền tự chủ của trường” - ông Nguyễn Kim Sơn trình bày.
Để chia sẻ với học sinh và phụ huynh về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và kinh tế - xã hội, từ năm 2021 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần gửi công văn cho các bộ, ngành, địa phương, các trường về việc giữ ổn định tình hình học phí.
“Thời gian gần đây bộ cũng tiếp tục có công văn nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các khoản thu trong giáo dục và đào tạo và lưu ý, khuyến cáo các địa phương, đơn vị căn cứ vào tình hình để xây dựng mức học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh. Cụ thể, gần đây nhất ngày 24/5/2022 Bộ đã có công văn số 2153 gửi các địa phương và lãnh đạo các trường đại học đề cập vấn đề này” - ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ cũng có các chương trình hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách đến trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện trách nhiệm giải trình công khai với người học xã hội về các mức thu và các khoản thu.