Ngay sau Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số ngành xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua đổi mới, sáng tạo" vừa được Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tổ chức với sự tham gia của Hội đồng Anh, Viện kỹ thuật Hoàng gia Anh, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội kinh tế Xây dựng Việt Nam, Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Sáng nay (23/3), cuộc tọa đàm "Ngành Xây dựng, kiến trúc -Quy hoạch thích ứng bối cảnh công nghiệp 4.0 trong đào tạo và chuyển giao công nghệ" đã dược tổ chức với sự tham dự của TS Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN& Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, chuyên gia về chuyển đổ số và trí tuệ nhân tạo, TS Tạ Ngọc Bình, Viện kinh tế Bộ Xây dựng và đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ lớn như Vietel, Hanoi Telecom, Cotecons...
Tại cuộc tọa đàm các diễn giả đã chia sẻ cách triển khai các hoạt động số hóa của đơn vị mình và hiệu quả mà chuyển đổi số đem lại cho đơn vị, doanh nghiệp cũng như những thách thức mà đơn vị, doanh nghiệp phải đối phó trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc.
Theo TS Tạ Ngọc Bình, Viện Kinh tế Bộ xây dựng, ngành xây dựng là ngành ít chịu ảnh hướng số hóa nhất. Tuy nhiên, việc triển khai lộ trình BIM trong xây dựng đặt ra yêu cầu nhân lực có khả năng sử dụng BIM thời gian đầu khá khó khăn nhưng gần đây đã dần được cải thiện. Các kỹ sư trẻ rất nhanh nhạy khi triển khai ứng dụng BIM.
Ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Công ty Cotecons cho rằng: Chuyển đổi số là một cái bắt buộc chúng ta phải làm. Có thể nó chưa phải là toàn diện nhất bởi vì nó còn tiếp tục những chặng đường tiếp theo. Hiện tại để khối thi công có thể kiện toàn, từng phòng ban, từng công trường bây giờ áp dụng rất nhiều những các phần mềm, những ứng dụng liên quan bên cạnh công nghệ số. Tiến tới chúng ta có những cái nền tảng chung để chia sẻ tất cả những dữ liệu đó. Đây là việc tiếp theo của chặng đường đi tới của một doanh nghiệp xây dựng như ở khối thi công.
Là đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ trường ĐH Xây dựng Hà Nội và các trường kỹ thuật, ông Trường nhận xét: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã làm được rất nhiều trong suốt thời gian phát triển, chặng đường của mình. Từ vấn đề của thời đại và yêu cầu của các chủ đầu tư hiện áp dụng nhiều tiêu chuẩn mới (tiêu chuẩn về xanh, tiêu chuẩn đảm bảo về vấn đề môi trường, đảm bảo các công trình phải xây với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn, an toàn hơn...), thì việc chuyển đổi số áp dụng trong nhà trường có lẽ là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ngồi lại với trường vai trò như một doanh nghiệp xây dựng, khối thi công. Để có những quan điểm chính xác rằng mình nên đưa thêm môn nào vào chương trình đào tạo. Như chúng ta biết về BIM, phần mềm mà chúng ta ứng dụng, nền tảng về iCloud... Lựa chọn môn nào chúng ta cần phải có lộ trình chứ không thể cùng một lúc đưa vào ngay được. Bước tiếp theo có thể làm là những bước ngồi lại giữa các bên với nhau ví dụ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ xây dựng, và nhà trường để đưa ra lộ trình thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng: "Đặc thù là ngành xây dựng thì đòi hỏi rất nhiều. Và vấn đề đòi hỏi xuất phát không phải ở khối thi công mà chính là các chủ đầu tư hay khách hàng. Khách hàng là trọng tâm, khách hàng mong muốn gì thì chúng ta áp dụng các yêu cầu đấy của khách hàng thì sinh viên cũng vậy. Sau này bạn đi làm bạn sẽ làm cho ai, họ là người trả tiền cho chúng ta, họ yêu cầu chúng ta phải có kỹ năng này, họ yêu cầu chúng ta phải trình diễn BIM tốt, sử dụng tốt những cái phần mềm về thép, về bê tông, phần mềm liên quan đến phần hoàn thiện. Có rất nhiều phần mềm và BIM chỉ là một trong những phần mềm trong số đó thì chúng ta phải lựa chọn rằng các bạn phải là người sẵn sàng làm chủ, sẵn sàng học hỏi. Tính học hỏi là rất quan trọng. Các bạn đã có sẵn sự năng động rồi, các bạn lại có thêm sự nhạy bén và dám dấn thân. Làm nghề xây dựng thì có một thứ khác so với những ngày khác là phải dấn thân làm nghề thì các bạn sẽ thấy cái nghề này có rất nhiều thứ nó cũng sẽ thú vị."
Sau những chia sẻ của ông Thái Huỳnh Nghĩa, Giám đốc chuyển đổi số, tập đoàn Hanoi Telecom về "Nền tảng phối hợp và tự động hóa OPENBIM mã nguồn mở dựa trên đám mây", bà Trịnh Thị Lan đến từ tập đoàn viễn thông Quân đội Vietel với phần giới thiệu mô hình "Chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển khu đô thị thông minh", PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, chủ trì tọa đàm kết luận: "Công tác chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng trong tất cả các lĩnh vực. Buổi tọa đàm hôm nay là buổi để cơ quan nhà nước, Bộ xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi đến đơn vị thực hiện về công tác chuyên môn gặp gỡ các bên tự xây dựng chính sách, đơn vị triển khai, đơn vị thực hiện và trong đó có đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Với các trường đại học thì rõ ràng đây nó cũng là một nhiệm vụ mà bắt buộc chúng ta phải thực hiện chứ không chỉ là dẫn dắt. Việc nhà trường đưa công tác này vào đầu tiên vào trong nghiên cứu giảng dạy là bắt buộc. Các cán bộ trong nhà trường thì việc phối hợp nghiên cứu với các đối tác quốc tế để mà nắm sát các quá trình này với quốc tế là rất quan trọng trong cái việc nhà trường liên tục thực hiện chương trình về hợp tác quốc tế và tổ chức các hội thảo quốc tế, thực hiện các dự án được hỗ trợ.
Thông qua các dự án là việc thực tập, triển khai, nghiên cứu ở các môi trường quốc tế và các cán bộ của nhà trường tham gia cùng với các cơ quan của bộ để xây dựng và đề xuất các chính sách phù hợp ở trong lĩnh vực xây dựng. Còn các trong các chương trình về đào tạo thì cái việc hướng dẫn cho sinh viên và sinh viên nghiên cứu phù hợp với yêu cầu này. Ví dụ như với Quyết định 258 được Thủ tướng phê duyệt với lộ trình BIM áp dụng ngay năm 2023, thì lộ trình BIM đã được đưa vào giảng dạy ở trường trong thời gian trước đây khá là dài và sinh viên được đào tạo để khi ra trường đạt được chuẩn mà các doanh nghiệp có thể sử dụng ví dụ như là các tập đoàn trong nước như Hòa Bình.
Ngoài ra đối với nhà trường bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, Quốc tế khi mà đến họ muốn tuyển sinh viên của trường Đại học xây dựng thì BIM cũng là một yêu cầu về đầu ra cùng với các kỹ năng khác. Ngoài ra thị trường còn thành lập cả các viện nghiên cứu vì BIM cũng như có một trung tâm BIM phối hợp với công tác quốc tế. Để sinh viên được đào tạo một cách bài bản và có chứng chỉ được cấp một cách đàng hoàng và sau đó sinh viên trong quá trình thực hiện cái chuyên môn này có thể tích hợp được ngay BIM vào trong quá trình sử dụng. Các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có thể thấy được là sinh viên có thể đáp ứng được và có thể sử dụng được. Một nhiệm vụ bắt buộc là phải định hướng về xây dựng và phát triển đào tạo là rất rõ ràng cũng như về mặt nghiên cứu là cán bộ phải tham gia tích hợp hệ thống BIM, tất cả lĩnh vực bây giờ đều phải có tích hợp.
Ngoài nghiên cứu chuyên ngành thì chúng ta phải hướng tới kết nối, phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn. Chúng ta phải có kết nối toàn bộ cơ sở dữ liệu với hệ thống liên ngành để xây dựng hệ thống AI và có thể đưa ra các quyết định dựa trên các nền tảng vì cơ sở dữ liệu cũng như là về mặt chuyên ngành. Việc phối hợp với các doanh nghiệp để liên tục cập nhật và xây dựng các bài toán thực tế. Ngoài xây dựng doanh nghiệp thì nhà trường còn phải cùng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành và các địa phương để giải quyết thực tiễn bài toán thực tế để mà từ đó đưa vào công tác giảng dạy và nghiên cứu."
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm: