Tại buổi tọa đàm "Chọn bằng cấp hay chọn việc làm?" diễn ra ngày 28/3, đại diện lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã có những phân tích hệ lụy của tâm lý chuộng bằng cấp cũng như cơ hội khi học sinh theo học nghề.
Nghịch lý lao động có trình độ đại học khó tìm việc làm
Tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nêu một nghịch lý thị trường lao động những năm gần đây khi lao động có trình độ đại học và trên đại học tìm việc khó, thậm chí thất nghiệp. Điều này phản ánh một cách rất thực tế là chúng ta không đáp ứng đủ và đúng tháp nguồn nhân lực.
Tháp này yêu cầu chúng ta phải xem lại việc đào tạo thế nào, đào tạo trình độ gì để tránh việc đào tạo thừa và đào tạo thiếu.
Theo ông Bình, tâm lý chuộng bằng cấp, mong con cái có tấm bằng cấp cao khiến phần đông học sinh mong muốn vào đại học.
“Phụ huynh thường mong muốn tấm bằng thay vì nhìn thẳng vào sự thật về khả năng của con em mình như thế nào, yêu cầu của giai đoạn này ra sao và sở thích của các cháu về vị trí việc làm trong tương lai. Đây là nguyên nhân về tâm lý”, TS, Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo hiện nay đang tồn tại bất cập. Trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh phổ thông tốt nghiệp thì riêng chỉ tiêu dành cho đào tạo đại học từ 600.000 - 700.000 người. Phần còn lại cho các khối giáo dục nghề nghiệp là không tương xứng.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống hướng nghiệp chưa hoàn chỉnh, hoạt động chưa hiệu quả. Khi đặt vấn đề hướng nghiệp cho người dân, làm sao cho các em hiểu được năng lực của mình, mong muốn một nghề nghiệp cho cả cuộc đời mình và "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" thì hệ thống hướng nghiệp phải hoạt động từ rất sớm, bằng những công cụ khác nhau, lồng ghép với chương trình phổ thông, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đưa những định hướng này tới rất sớm cho học sinh, sinh viên.
Trên 80% sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm
TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, bản chất của việc đào tạo từ cao đẳng trở xuống là truyền đạt, trang bị được kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hiện cho những người trực tiếp sản xuất kinh doanh dịch vụ. Chính vì thế, định hướng trong đào tạo là phải gắn trực tiếp với thị trường lao động, theo vị trí việc làm.
“Thống kê của chúng tôi cho thấy, trên 80% học sinh, sinh viên học giáo dục nghề nghiệp là có việc làm và quan trọng nhất là có việc làm đúng nghề. Thậm chí có một số ngành nghề, tỷ lệ này lên đến 100%”, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường cao đẳng FPT Polytechnic đánh giá, mặc dù tỷ lệ phân bố về thầy và thợ đang lệch về phía đại học và ít hơn ở phía cao đẳng, nhưng trong 5 năm trở lại đây khối giáo dục nghề nghiệp đều có sự tăng trưởng 10-15%/năm. Đây là bước tăng trưởng đáng kể, thể hiện sự lựa chọn của thí sinh và phụ huynh.
Nhiều học sinh đạt số điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng sẵn sàng không học đại học mà chọn học nghề để đúng với đam mê, với ngành mình theo đuổi.
“Một yếu tố rất quan trọng là sau thời gian Covid-19, những ngành nghề cơ bản của xã hội thì luôn có việc làm. Chính thực tế như vậy cộng với việc khối giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động hợp tác với doanh nghiệp đều gắn rất chặt, nhiều trường có chương trình đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Thành phân tích.
Ông Vũ Chí Thành cũng thông tin, tại Trường cao đẳng FPT Polytechnic, thống kê 6 tháng sau khi ra trường tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại trường tìm được công việc lên tới 97-97,7%.
Các nhóm ngành rất thu hút và cần lao động theo ông Vũ Chí Thành đó là các ngành digital marketing, thiết kế đồ họa, du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Ngoài ra, một nhóm ngành bắt đầu thu hút được sự quan tâm của học sinh là ngành liên quan đến cơ khí, điện tự động hóa - những ngành rất gần với chip và bán dẫn, cũng là ngành Việt Nam đang chuẩn bị nguồn nhân lực cung cấp cho nhu cầu toàn cầu khi các tập đoàn lớn, tổ hợp lớn từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… dự kiến đầu tư tại Việt Nam.
“Để đáp ứng nhu cầu, chúng tôi sẽ tập trung rất mạnh vào chip và bán dẫn. Đây là ngành mà chúng tôi xác định phải đi trước đón đầu, vì các bạn học ra không đơn thuần là học làm một công việc bình thường của Việt Nam trong ngành này mà chúng ta học ra để đáp ứng nhu cầu cho thế giới, bởi nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ đổ về Việt Nam. Do vậy, các bạn học về chip và bán dẫn cũng có cơ hội ra nước ngoài làm việc”, ông Thành cho biết.
Đang học năm thứ 3 đại học, anh Lê Mạnh Cường - Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse đã “quay xe” theo học nghề tại FPT Polytechnic.
“Thời điểm mình nghỉ học đại học là cũng đến năm thứ 3, nên mình có một suy nghĩ rất nhanh nếu tiếp tục lựa chọn học 4 năm đại học thì khi ra trường, mình sẽ chậm lại so với bạn bè đồng trang lứa 2-3 năm, nên mình đã đi tìm hiểu và lựa chọn trường FPT Polytechnic vì chỉ cần học 2 năm 4 tháng là có thể ra trường và bắt đầu đi làm việc. Lựa chọn đó khá phù hợp với định hướng tương lai của mình nên mình quyết định chuyển sang học cao đẳng”, anh Lê Mạnh Cường chia sẻ.