Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO đã có 356 thành phố thành viên trên toàn thế giới tính đến hết năm 2024, tạo cơ hội để các thành phố trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động.
Đầu năm nay, Việt Nam có thêm 2 thành phố gồm Hồ Chí Minh và Sơn La, nâng tổng số 5 thành phố của cả nước được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu.
Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO được Viện Học tập suốt đời của UNESCO thành lập vào năm 2012. Mạng lưới này là nền tảng trao đổi quốc tế, cho phép các thành phố chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như bài học kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng một “thành phố học tập”. Một “Thành phố học tập” là một thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm vào các mục tiêu cụ thể:
- Giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó,
- Đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc,
- Khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố đó,
- Thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố,
- Khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế,
- Đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của thành phố đó.
Hành trình gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
Tỉnh Đồng Tháp đến thời điểm này có tổng số 2 thành phố được công nhận danh hiệu thành phố học tập toàn cầu, gồm thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh. Trong đợt đầu tiên hoàn thiện và gửi hồ sơ năm 2020, thành phố Sa Đéc có vinh dự được công nhận danh hiệu này cùng với thành phố Vinh. Ông Nguyễn Công Hiếu, Trưởng phòng giáo dục thành phố Sa Đéc cho biết những nét đặc trưng riêng của thành phố nhưng lại thuộc những chuẩn UNESCO đưa vào xét thành phố học tập toàn cầu. Cùng với quan tâm, khích lệ để học sinh yếu thế không bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông, thành phố Sa Đéc còn đạt được những kết quả nổi bật về công tác triển khai mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập cũng như tạo dựng những không gian cho phép người dân tiếp cận giáo dục thuận lợi nhất. Đồng thời công tác giáo dục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, cơ quan trong toàn thành phố.
“Thành phố Sa Đéc có ưu thế khi truyền đi tinh thần học tập ở cộng đồng, trong gia đình. Và khi đạt được danh hiệu thành phố học tập toàn cầu, chúng tôi ý thức được việc tiếp tục thúc đẩy cũng như giữ vững những hoạt động hiệu quả đã được duy trì. Bởi lẽ đã được vinh danh thì cũng có thể sẽ bị rút danh hiệu. Mình có hội đồng với các thành viên cùng ý chí quyết tâm duy trì thành phố học tập”, Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc chia sẻ.
Để được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, các thành phố cần có những sáng kiến hữu hiệu về chính sách cũng như đã áp dụng chính sách đó vào thực tiễn, khuyến khích phát triển giáo dục trên địa bàn. Đồng thời cần cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi công dân ở mọi độ tuổi. Không phải chỉ riêng cấp học vì cấp học chỉ gói gọn trong hệ thống giáo dục chính quy mà học tập suốt đời gồm cả giáo dục chính quy (trong nhà trường), không chính quy và phi chính quy thông qua các thiết chế văn hoá giáo dục ngoài nhà trường.
UNESCO tiến hành xét duyệt hồ sơ gắt gao, với sự thẩm định của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục dựa trên một bản đăng ký gồm hơn 20 câu hỏi và các minh chứng cụ thể mà các thành phố cần đưa ra. Khi đã trở thành thành viên của mạng lưới, các thành phố sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động học tập, được kết nối các nguồn lực chuyên gia quốc tế, đồng thời được ứng cử giải thưởng thành phố học tập của UNESCO.
Vừa cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị Quốc tế về thành phố học tập toàn cầu lần thứ 6 của UNESCO tại Ả Rập Xê út hồi đầu tháng 12 vừa qua, xen lẫn trong niềm tự hào về một thành phố nhỏ được UNESCO công nhận và ra nhập mạng lưới, bà Bình cho rằng đây đồng thời là cơ hội tốt để học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các thành phố khác trên toàn thế giới.
Thành phố Sơn La của Việt Nam cũng vượt qua nhiều tứng viên trở thành 1 trong 64 thành viên mới từ 35 quốc gia vừa được vào danh sách thành phố học tập toàn cầu hồi giữa tháng 2 vừa qua. Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết, điểm đặc biệt nhất trong báo cáo của Sơn La đem đến hội nghị nằm ở việc giữ gìn, phát huy việc dạy học và duy trì ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán bản địa kết hợp dạy nghề công bằng. Thứ hai phát triển kinh tế thông qua chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, thư viện nhân ái hay trung tâm sinh hoạt cộng đồng cực kì hiệu quả.
Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo thành phố học tập toàn cầu Sơn La, chỉ sau 10 tháng chính thức gia nhập mạng, thành phố đã xây dựng được 81 “Ngôi nhà trí tuệ” và 47 “Thư viện nhân ái" với tổng 159.935 cuốn sách hay. Các không gian này đã trở thành điểm đến sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, đọc sách, học tập… sôi nổi của người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao dân trí, gắn kết nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn và làm giàu có thêm đời sống tinh thần của bà con.
Thành phố cũng tổ chức thành công Cuộc thi “Sơn La – Thành phố học tập toàn cầu tôi yêu”. Đây là cuộc thi tìm hiểu về thành phố học tập được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, gắn liền với chủ đề học tập suốt đời và chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường mà UNESCO đang ưu tiên thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu… Những hoạt động nổi bật này cho thấy thành phố Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các cam kết đã đề ra trong bộ hồ sơ gửi UNESCO, trong đó đặc biệt chú trọng đến mục tiêu thúc đẩy văn hoá học tập suốt đời trong cộng đồng thông qua các thiết chế giáo dục gần gũi với người dân và các lễ hội, sự kiện văn hoá – giáo dục đặc sắc, sáng tạo. Đây cũng là nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố nhằm khẳng định vị thế của một thành phố Tây Bắc còn nhiều khó khăn khi gia nhập một mạng lưới quốc tế uy tín, đưa danh hiệu đi vào thực chất.
Tại sao Hà Nội chưa trở thành thành phố học tập toàn cầu của UNESCO?
Các thành phố học tập của UNESCO có vai trò kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo, văn hóa và thu hút nhiều đối tác từ khu vực công, tư, các tổ chức xã hội và người sử dụng lao động. Từ đó, huy động hiệu quả các nguồn lực trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy học tập toàn diện và có chất lượng, từ giáo dục mầm non, giáo phổ thông đến giáo dục đại học. Thực hiện hóa mục tiêu, đem lại những sáng kiến mới cho việc học tập trong gia đình và cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tại nơi làm việc, mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại.
Tại lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quyết tâm hành động, thúc đẩy mô hình thành phố học tập như một nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội học tập. Và đến ngày 19/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Trước băn khoăn về việc 9 năm qua chúng ta mới có 5 thành phố đạt danh hiệu này. Vậy trong 5 năm tới, chỉ tiêu 10 thành phố liệu có khả thi? Bà Tống Liên Anh – Phó viện trưởng Viện Học tập suốt đời (Việt Nam), người nỗ lực thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời đồng thời trực tiếp cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị Quốc tế về thành phố học tập toàn cầu lần thứ 6 của UNESCO tại Ả Rập Xê út hồi đầu tháng 12 vừa qua phân tích chỉ tiêu 10 thành phố đạt danh hiệu thành phố học tập toàn cầu UNESCO bao gồm 5 thành phố đã được công nhận trước đó.
“Từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ có thêm 5 thành phố nữa, tức là mục tiêu đặt ra của đề án hoàn toàn khả thi vì cứ mỗi 2 năm một lần, UNESCO sẽ mở vòng hồ sơ để các quốc gia có thể đệ trình hồ sơ ra nhập mạng lưới của họ. Vòng hồ sơ gần nhất tiếp theo sẽ vào năm 2025, 2027 và 2029. Từ nay đến 2030 chúng ta còn 3 vòng nộp hồ sơ nữa và trong mỗi vòng hồ sơ đó, một quốc gia được đề cử tối đa 3 thành phố. Vậy nếu chúng ta làm tích cực và làm tốt sẽ có tối đa 9 thành phố mới có thể ra nhập mạng lưới này”, bà Liên Anh phân tích thêm.
Nhìn vào danh sách các thành phố đã được công nhận thành phố học tập toàn cầu thì trừ thành phố Hồ Chí Minh, 4 thành phố còn lại nếu xét về điều kiện kinh tế xã hội và cả giáo dục cũng không phải quá nổi bật và đều là thành phố nhỏ, thậm chí thành phố Sơn La thuộc vùng khó khăn. Trước băn khoăn về tiêu chí xét thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, bà Liên Anh cho rằng có nhiều cách hiểu chưa đúng về cách thức xét duyệt hồ sơ cũng như công nhận thành phố ra nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận về giáo dục, đặc biệt giáo dục chất lượng cao từ lâu trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên của Liên Hợp Quốc hay tổ chức thuộc Liên Hợp quốc như UNESCO
“Họ không đưa ra các tiêu chí để so sánh một cách cào bằng giữa các thành phố với nhau vì nếu đưa ra tiêu chí chung dựa vào thành phố nào có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, giáo dục đạt được nhiều thành tựu, chính trị ổn định mới được tham gia vào mạng lưới này thì sẽ không bao giờ có cơ hội cho các thành phố nhỏ, thành phố bất ổn chính trị, điều kiện kinh tế rất khó khăn hoặc ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Mà đó chính lại là những thành phố cần nhất những cơ hội để họ tận dụng nhằm thay đổi cuộc sống của người dân”, bà Liên Anh cho biết. Đồng thời, bà lấy dẫn chứng trong 356 thành phố đến từ 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục thuộc mạng lưới thành phố học tập toàn cầu có mức độ phát triển về kinh tế, sự khác biệt về quy mô, cấu trúc dân số cũng như các nét đặc thù văn hoá, thể chế chính trị… vô cùng đa dạng. Mạng lưới bao gồm các thành phố là trung tâm kinh tế lớn với mức GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới như Doha (Qatar) hay các siêu đô thị với quy mô dân số giao động ở mức 10 triệu – 30 triệu người như Vũ Hán, Thượng Hải (Trung Quốc). Ngược lại cũng có những thành phố có mức GDP bình quân đầu người còn rất khiêm tốn như Bouaké (Bờ Biển Ngà), có quy mô dân số siêu nhỏ như Benguerir (Morocco) hay các thành phố đang phải trải qua những xung đột, bẩt ổn chính trị, chiến tranh tàn phá… như Ukraina hay một số nước thuộc khu vực Châu Phi, Trung Đông...
Trước băn khoăn vì sau đến nay, Hà Nội, thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa, giáo dục của Việt Nam chưa gia nhập mạng lưới này? Liệu Hà Nội có các điều kiện gì còn chưa đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO không? Bà Liên Anh cho biết, việc gia nhập mạng lưới phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có chủ trương và các ưu tiên của Lãnh đạo thành phố tại các giai đoạn khác nhau. Được biết, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho lộ trình đệ trình hồ sơ (lần đầu tiên) để gia nhập mạng lưới vào năm 2025. Ở đây, bà Liên Anh cũng lưu ý trong 42 tiêu chí đưa ra để xét duyệt, UNESCO không đưa ra đánh giá đạt hay không đạt mà là đạt bao nhiêu %. Theo đó, bộ 42 tiêu chí được xây dựng với mục đích giúp các thành phố tự rà soát xem đang đạt được ở mức độ nào trong thang đánh giá này. Trên cơ sở đó, các thành phố sẽ phải trả lời 20 câu hỏi trong đơn đăng kí, làm nổi bật các chí nào thuộc về thế mạnh qua các minh chứng cụ thể và đưa ra các giải pháp trung hạn, dài hạn để hiện thực hóa các tiêu chí còn đang đạt ở mức độ thấp.
Từ việc phân tích này, bà Liên Anh cũng đưa ra một vài gợi ý cho các thành phố trong quá trình xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. Các thành phố không nên hiểu rằng phải đạt được tất cả 42 tiêu chí này thì mới đủ điều kiện tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu hoặc lấy mức độ đạt “cao – thấp” làm thước đo duy nhất để đánh giá năng lực cạnh tranh của bộ hồ sơ. Bởi khi hiểu và thực hiện theo cách rập khuôn đó, các thành phố ở vùng khó khăn, vùng cao, vùng sâu xa sẽ không có cơ hội xây dựng hồ sơ “đẹp, đạt chuẩn” và bỏ lỡ cơ hội gia nhập mạng lưới quốc tế uy tín này.
“Tôi nhất mạnh việc không nên so sánh theo cách cào bằng các tiêu chí giữa thành phố mình với thành phố khác. Năm 2024, Sơn La – một trong những thành phố miền núi khó khăn sánh bước cùng TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế phát triển nhất cả nước, cùng gia nhập mạng lưới. Rõ ràng, nếu xét về một số tiêu chí như xóa mù chữ, đầu tư ngân sách cho giáo dục… thì thành phố Sơn La không thể bằng thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng một số tiêu chí khác như thúc đẩy học tập cộng đồn thông qua qua lễ hội, bảo tồn các văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, rõ ràng Sơn La lại nổi bật khi có đến hơn 50% dân số trên địa bàn thuộc các dân tộc thiểu số”, bà Liên Anh nêu ví dụ.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: