Ngày 20/5, Ban quản lý Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Tính đến nay đã có hơn 30.127 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng, trong đó có 26.319 giáo viên phổ thông cốt cán và 3815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Đội ngũ cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô - đun bồi dưỡng.

Điểm đáng chú ý khi triển khai Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã triệt để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo điều kiện cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với tài liệu, học liệu gốc để tham gia bồi dưỡng trên hệ thống LMS.

Cô giáo Dương Thị Hồng Minh (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, đối với vùng miền núi, trình độ, năng lực CNTT của một số giáo viên lớn tuổi còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên không vì vậy mà họ không nỗ lực trong việc tiếp cận phương pháp dạy học mới dựa trên nền tảng CNTT.

“Sau khi được bồi dưỡng, kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học của giáo viên đã thay đổi rất nhiều. Giáo viên biết ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy, biết sử dụng các phần mềm để thực hiện thao tác giảng bài”, cô Dương Thị Hồng Minh chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) đánh giá, việc tham gia chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên nền tảng CNTT không chỉ giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình bồi dưỡng mà điều quan trọng hơn còn phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý.

“Nhà trường đã nâng cấp hệ thống CNTT, hệ thống đường truyền internet để các thầy cô tận dụng dạy trực tiếp và trực tuyến cho học sinh. Đồng thời Ban giám hiệu nhà trường cũng ứng dụng tối đa CNTT trong công tác quản lý, tạo mối liên hệ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh”, bà Huệ cho biết.

Theo báo cáo của Ban quản lý Quản lý Chương trình (ETEP), hiện có 60/63 sở đã triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS).

Giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tiếp cận tài liệu gốc, hệ thống Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quản trị trường học để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

TS. Hoàng Thị Kim Huệ, giảng viên khoa Quản lý giáo dục (Trường ĐHSP Hà Nội) chia sẻ, hình thức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố tự họ, các kiến thức được tích lũy và trở thành học liệu cho giáo viên học tập trên hệ thống LMS.

“Trong quá tình tập huấn trực tiếp, các giảng viên sư phạm sử dụng rất nhiều nền tảng khác nhau để tương tác với các giáo viên. Giáo viên được quyền chia sẻ những hiểu biết của bản thân thông qua các phần mềm. Các thày cô rất hứng thú và mong muốn được chia sẻ nhiều hơn về các ứng dụng, phần mềm nền tảng CNTT, qua đó, tạo thành một cộng đồng học tập rộng lớn”, TS Hoàng Thị Kim Huệ chia sẻ.

TS Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đánh giá, việc ứng dụng CNTT trong quá trình bồi dưỡng, xây dựng tài liệu học tập… đã nâng cao đáng kể trình độ, kỹ năng về CNTT phục vụ cho quá trình giảng dạy của giáo viên ở trường phổ thông.

“Giảng viên có thêm nhiều kĩ năng để tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên cũng như kĩ năng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo. Còn đối với giáo viên phổ thông, qua chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực có thể ứng dụng CNTT để xây dựng học liệu, bồi dưỡng, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá”, TS Đặng Văn Huấn nhấn mạnh.