Tham quan thu phí dưới danh nghĩa hoạt động trải nghiệm

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hoạt động trải nghiệm ở nhiều trường học trở thành hoạt động tham quan-du lịch bắt buộc có thu tiền.

“Mỗi học sinh tham gia trải nghiệm phải nộp từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng, nhưng để đảm bảo ăn uống cho các con, mỗi phụ huynh thu thêm từ 200.000-300.000 đồng tùy lớp. Trước đây, cũng có những gia đình gặp khó khăn không cho con em tham gia, nhưng theo thông báo của trường đây là nội dung nằm thuộc hoạt động trải nghiệm trong chương trình nên phải tham gia", chị T., phụ huynh có con học lớp 10 ở Hà Nội chia sẻ.

Những điểm đến như khu du lịch sinh thái, quần thể nghỉ dưỡng… trở thành điểm đến cho những cuộc đổ bộ của cùng lúc hàng ngàn học sinh, thầy cô cùng các đơn vị lữ hành dẫn tới tình trạng quá tải. "Cá nhân tôi tham gia với tư cách phụ huynh hỗ trợ thì thấy thực sự đây chỉ là dịp để các con thư giãn, vui chơi cùng các bạn trong lớp chứ còn để bảo tìm hiểu về lịch sử, văn hóa hay thiên nhiên là khó vì quá đông”, chị T. bức xúc.

Khối tiểu học và THCS dù không đi qua đêm nhưng cũng thường được có hành trình khá xa, mức đóng phí cũng phải từ 500.000 đồng/ học sinh. Di chuyển xa, ăn uống với số lượng đông đã xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm như trường hợp hơn 50 học sinh trường tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Tình trạng đưa học sinh tham gia các chuyến tham quan ngoài thành phố dưới danh nghĩa trải nghiệm xảy ra ở hầu khắp các tỉnh thành đã khiến ngành giáo dục một số địa phương đã phải sử dụng biện pháp mạnh. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An hồi cuối tháng 2 yêu cầu nghiêm cấm các trường học lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch. Tháng 3, Sở giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cũng đưa ra quyết định tương tự. Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các trường học.

Trải nghiệm và Trải nghiệm-Hướng nghiệp: Hiểu đúng mới có thể làm đúng

Thạc sĩ Bùi Thanh Xuân, công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một trong số những tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp cho rằng đang xảy ra tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai về trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp.

Trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ở chương trình hiện hành, các nhà trường vẫn có những hoạt động ngoại khóa, tổ chức mỗi năm 2 hoặc 4 lần và đều dưới hình thức xã hội hóa, có thu phí và thường tất cả học sinh trong trường sẽ đến một điểm duy nhất. Điều này có thể tạo thuận lợi cho các nhà trường trong khâu tổ chức nhưng hầu như không có tác dụng với học sinh khi các em khác nhau về lứa tuổi, về nhu cầu trải nghiệm…

Tuy nhiên, dư luận phản ứng khi hoạt động dã ngoại này được đặt dưới danh nghĩa hoạt động trải nghiệm hoặc trải nghiệm-hướng nghiệp theo chương trình mới. Và bức xúc hơn nữa khi xảy ra tình trạng nhiều nhà trường đưa việc tham gia hay không của các em học sinh vào mục đánh giá, thậm chí cả chấm điểm.

“Mặc dù gia đình khó khăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải cho con tham gia. Như vậy rất là không nên và không có ý nghĩa giáo dục”, Th.s Bùi Thanh Xuân nhấn mạnh.

Hiểu thực chất, theo bà Thanh Xuân, đây hoàn toàn không phải môn học mà là hoạt động giáo dục, có thời lượng 3 tiết/ tuần 1, 105 tiết/năm. Các hoạt động giáo dục được thiết kế một cách có tổ chức hướng tới mục tiêu để học sinh vận dụng những kỹ năng, hiểu biết từ các môn học khác giải quyết những vấn đề được đặt ra, mang tính chất thường kỳ và không được thu phí. Thầy cô ở vị trí tổ chức, hướng dẫn, giám sát hoạt động.

Bản chất hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm-hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới thuần túy là hoạt động trong lớp học, rất ít hoạt động khối lớp, trừ sinh hoạt dưới cờ mang quy mô toàn trường.

Hai tiết còn lại trong tuần, học sinh sẽ phải chia sẻ những hiểu biết, những gì mình đã sưu tầm được, phải lên đóng vai rồi kể chuyện, tranh biện…rèn luyện tất cả những kỹ năng mà các môn học khác không có điều kiện để đào tạo.

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo 4 mạch.

Thứ nhất, các hoạt động hướng đến phát triển bản thân, tự nhận thức: Tôi là ai? Tôi có điểm mạnh điểm yếu gì tôi? Có thể đóng góp được gì cho xã hội? Yêu thích nghề nào? Thích trở thành một người như thế nào? … Ở góc độ này góp phần phát triển bản thân của mỗi em học sinh.

Thứ hai, bắt đầu mở rộng ra các hoạt động xã hội trong mạch liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Tiếp theo gồm các hoạt động hướng đến tự nhiên như yêu thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên, không tàn phá thiên nhiên, bảo vệ sinh vật sống xung quanh.

Cuối cùng sẽ gồm các hoạt động hướng đến nghề nghiệp như cung cấp thông tin, hướng dẫn học sinh làm quen với việc định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai không xa.

Để thiết kế hoạt động mang đúng tính chất trải nghiệm hay trải nghiệm-hướng nghiệp cần có những giáo viên có chuyên môn, biết cách tổ chức hoạt động. Nhưng các trường công lập, giáo viên hầu như không được đào tạo một cách bài bản mà thường kiêm nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm có lợi thế hiểu rõ điểm mạnh yếu của từng học sinh trong lớp nhưng các thầy cô đều phải gánh vác rất nhiều phần việc, trách nhiệm khác nhau trong dạy và học. Giáo viên chuyên trách hiện nay vẫn chưa nhiều và cũng ít có điều kiện để hiểu sâu từng học sinh để có được phương án tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp. Điều này khiến rất nhiều nơi, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm- hướng nghiệp chỉ mang tính đối phó, làm qua loa hoặc là gộp lại để giản tiện cho nhanh.

Về cơ bản trường tư thục tỏ ra có thế mạnh hơn trong việc tổ chức các hoạt động này khi lợi thế hơn về cơ chế tuyển dụng, sử dụng cũng như trả lương.

Việc kiểm tra, đánh giá hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm-hướng nghiệp hiện cũng tạo thêm áp lực cho các giáo viên khi có quá đông học sinh. Tuy nhiên theo Th.s Bùi Thanh Xuân, giáo viên đang tự gây khó cho bản thân khi không biết tận dụng những kênh đánh giá khác. Có thể kể đến như việc học sinh tự đánh giá bản thân qua phiếu đánh giá cá nhân.

Thứ hai là đánh giá lẫn nhau trong nhóm các bạn. Cách thức này phát huy khả năng đánh giá người khác của học sinh. Đương nhiên khi sử dụng phương thức này, giáo viên phải hướng dẫn để có được kết quả khách quan. Việc làm này mang giá trị lớn cho mỗi học sinh trong tương lai, khi các em tham gia vào thị trường lao động với các công việc liên quan đến làm việc nhóm.

Môn học Trải nghiệm và Trải nghiệm- Hướng nghiệp ra đời nếu được hiểu đúng, làm đúng sẽ cùng với nội dung giáo dục khoa học góp phần phát triển toàn diện mỗi học sinh, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực con người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mời các bạn bấm nút nghe trao đổi cùng Th.s Bùi Thanh Xuân, Viện Khoa học Giáo dục về vấn đề Hoạt động Trải nghiệm và Trải nghiệm - Hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018: