5 dự án khởi nghiệp tham gia tranh tài tại vòng chung kết Startup Kite 2022 của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (HCCT) đều là những dự án, ý tưởng khởi nghiệp có tính khả thi, mang lại giá trị cho cộng đồng xã hội như dự án: “Máy hút bụi cầm tay mini Ovall”; “HoFixme - Dịch vụ chăm sóc thiết bị điện lạnh và thiết bị điện dân dụng qua ứng dụng”; “Back to Dream - dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng dành riêng cho người cao tuổi”; “Leaf Cake & Tea”.

Lê Tuấn Dương thành viên nhóm khởi nghiệp “Xen Xanh” cho biết để tận dụng những phụ phẩm như bã mía, nhóm của bạn đã nghĩ đến ý tưởng biến những phụ phẩm này thành những sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc, thìa, hộp, bát…

“Trên thị trường đã có những sản phẩm tương tự nhưng sản phẩm của chúng em có tính cạnh tranh về giá cả. Đặc biệt những sản phẩm này có thể để trong lò vi sóng với nhiệt độ lên tới 180 độ C cùng với đó là khả năng chống nước, khả năng phân hủy sẽ lâu hơn”, Tuấn Dương chia sẻ.

Trong khi đó, dự án “Back to Dream - Dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng dành riêng cho người cao tuổi” được khởi xướng với mong muốn giúp người cao tuổi có một cuộc sống ý nghĩa khi về già, được tham gia các tour du lịch nghỉ dưỡng với sự đồng hành của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trong mỗi hành trình.

“Ý tưởng dự án của chúng em hướng đến những khách hàng từ 50-70 tuổi, những người có mức thu nhập trung bình trở lên. Khi con cháu không có nhiều thời gian bên cạnh họ thì ngoài việc nghĩ đến các trung tâm dưỡng lão thì người già có thể sử dụng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Họ được trải nghiệm các tour du lịch an toàn, thân thiện giúp cuộc sống về già trở nên ý nghĩa hơn”, Lê Thị Ngọc Diệp chia sẻ.

Ngọc Diệp cũng cho biết việc sinh viên được làm quen với các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp ngay từ sẽ là bước đệm rất tốt cho tương lai sau này.

Kết quả chung kết cuộc thi sinh viên khởi nghiệp – Startup Kite của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội năm 2022, dự án “HoFixme-dịch vụ chăm sóc thiết bị điện lạnh và thiết bị điện dân dụng qua ứng dụng” đạt giải Nhất.

Dự án tận dụng nền tảng công nghệ để khách hàng có thể nhanh chóng kết nối với thợ sửa chữa hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị điện gia dụng trong gia đình như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, bình nóng lạnh…

“Những ai sống ở đô thị chắc chắn từng trải qua tình huống đồ điện gia dụng trong gia đình bị hư hỏng và mệt mỏi khi phải chờ đợi thợ sửa chữa rất lâu, thậm chí còn bị mất tiền oan, thổi giá. Với dự án này, chúng em sẽ tạo ra một app để kết nối khách hàng với người thợ sửa chữa. Nói chính xác, chúng em sẽ là người đi tìm thợ hộ cho khách hàng”, Lê Phương Mai thành viên nhóm khởi nghiệp HoFixme chia sẻ về dự án của mình.

Lê Phương Mai kỳ vọng các nhà đầu tư đặt niềm tin vào những ý tưởng khởi nghiệp của học sinh – sinh viên. Mặc dù sinh viên có thể thiếu kinh nghiệm nhưng không thiếu sự sáng tạo, nhiệt huyết và sự quyết tâm.

Năm nay, cuộc thi sinh viên khởi nghiệp – Startup Kite 2022, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội mời được nhiều doanh nhân, nhà khởi nghiệp có tiếng ngồi ghế ban giám khảo. Họ đồng thời cũng là những người truyền cảm hứng khởi nghiệp tới các học sinh-sinh viên.

“Trước đây tỷ lệ thành công của khởi nghiệp chỉ 7-10% thì những năm gần đây khi tinh thần khởi nghiệp trở thành một phong trào, các bạn trẻ trước khi khởi nghiệp được trang bị kiến thức, kỹ năng, điều kiện... cho nên khả năng thành công đã lớn hơn”, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Dknec Corporation, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cho biết.

TS Trịnh Thu Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, những năm gần đây khởi nghiệp không chỉ là một phần nội dung kiến thức được đưa vào chương trình giảng dạy của Trường mà còn tạo ra phong trào khởi nghiệp rộng khắp trong sinh viên. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã khởi nghiệp thành công.

“Những sinh viên sau khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp đều có kỹ năng, kiến thức và năng lực tốt. Sau khi ra trường có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm khác nhau. Kỳ vọng của chúng tôi là từ mái trường này có thể gây dựng được một đội ngũ doanh nhân thành đạt trong tương lai”, TS. Trịnh Thu Hà nói.

Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2022 là hoạt động thường niên do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (BộLĐ-TB&XH) tổ chức.

Cuộc thi được tổ chức thành 3 vòng, gồm: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển sẽ được tổ chức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Các cơ sở sẽ tổ chức cuộc thi cấp trường để lựa chọn các ý tưởng/ dự án xuất sắc tham dự vòng bán kết.

Vòng bán kết diễn ra từ tháng 9-10/2022 theo hình thức trực tuyến với 2 nội dung là thi thuyết trình và phản biện để chọn ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào vòng chung kết.

Vòng chung kết thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống sẽ tổ chức vào tháng 11 với hình thức trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh.

Các thí sinh/đội thi được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức kết nối với các doanh nhân và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng dự án để thi chung kết.