Thầy cô hãy nhớ đã từng mong ước gì ở người thầy dạy mình

Hội thảo “Trường học hạnh phúc” do Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 200 thầy cô thuộc nhiều trường, nhiều cấp học, nhiều địa phương trên cả nước tham gia. Điều này cho thấy sự quan tâm, mong mỏi trong việc nhận diện, thay đổi, xây dựng một không gian dạy và học hạnh phúc.

Trong Hội thảo có một phần trắc nghiệm được tổ chức ở dạng trò chơi. Các thầy cô tưởng tượng quay về tuổi thơ, tự mô tả hình ảnh người thầy với những đặc điểm khiến học sinh mong muốn, kỳ vọng. Rất nhanh, nhiều phẩm chất hàng đầu của giáo viên đã được lựa chọn như: hài hước, yêu thương, thân thiện, tôn trọng, tin tưởng, công bằng, ghi nhận những thay đổi dù nhỏ của học sinh...

Tất cả ý kiến thu được từ trò chơi hầu như trùng khớp hoặc tương tự so với bảng dữ liệu trắc nghiệm “Bạn thích thầy cô như thế nào” của học sinh được ban tổ chức thực hiện trước đó.

“Đặt giả sử đề nghị nhớ lại thời điểm lớp 9 hoặc lớp 12, một cá nhân sẽ không thể nhớ hoặc thống kê đã đạt bao nhiêu điểm 9,10 cho các môn học. Nhưng rất có thể một lời khen, một nhận xét tích cực hoặc tiêu cực sẽ được chúng ta ghi nhớ.

Có nghĩa rằng, điểm số không phải điều quan trọng nhất, ấn tượng nhất với mỗi học sinh suốt thời đi học. Thông qua điều này cho thấy chúng ta cần điều chỉnh, thay đổi như thế nào trong quá trình tương tác để học trò yêu quý mình, thích mình và từ đó thầy cô yêu bản thân cũng như nghề nghiệp hơn”, TS Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng JobWay, nhấn mạnh thông điệp đem lại từ trò chơi trắc nghiệm.

Trường học hạnh phúc trước tiên thầy cô phải hạnh phúc

Cô Mỹ Trinh, giáo viên tiếng Anh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn học sinh hạnh phúc, bản thân mỗi giáo viên phải là một người hạnh phúc. Nhưng điều này không dễ khi một người thầy cũng đồng thời đóng các vai trò khác nhau trong xã hội: làm cha, làm mẹ, làm một công dân với vô vàn trách nhiệm, thách thức buộc phải vượt qua.

Theo cô Mỹ Trinh, những vấn đề gặp phải trong cuộc sống cần được giải tỏa trước khi người thầy bước vào lớp. Khi sức khỏe tinh thần của giáo viên không tốt, học sinh có thể trở thành nạn nhân trực tiếp.

TS Đào Lê Hòa An cũng cho rằng cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường cần hiểu rõ biểu hiện kiệt sức nghề nghiệp, về các biện pháp ứng phó, phòng ngừa, nâng đỡ tinh thần cho giáo viên và cán bộ quản lí. "Những biểu hiện kiệt sức nghề nghiệp nếu tích tụ mà không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, công việc bản thân người giáo viên. Học sinh sẽ phải hứng chịu những hậu quả của tình trạng này".

Vì vậy, chính thầy cô phải hạnh phúc, thể hiện bằng sự vui vẻ, tìm được niềm vui trong công việc hằng ngày. Có thế chúng ta mới truyền được năng lượng tích cực cho đồng nghiệp của mình, cho những người xung quanh và đặc biệt là đối với các em học sinh, TS Đào Lê Hòa An phân tích.

Áp lực với học sinh thế nào là vừa?

Khi ai đó chịu áp lực thấp hơn khả năng sẽ khiến chất lượng công việc không cao. Nhưng ngược lại, áp lực quá cao lại làm chất lượng, mức độ công việc đi xuống. Vậy làm sao xác định được áp lực vừa đủ với học sinh? Đó là câu hỏi khó và cũng đòi hỏi vai trò của thầy cô.

TS Hòa An nhắc lại khái niệm quen thuộc trong giáo dục: Vùng phát triển gần nhất. Khi người thầy đủ sự tinh tế và kỹ năng sẽ nhận định chính xác để tạo nên áp lực hơn chút xíu so với khả năng của mỗi em học sinh. Từ đây sẽ kích hoạt học sinh chinh phục được những điều các em tò mò, chưa biết.

“Như thổi bong bóng, nếu cứ thổi mãi, thổi mãi sẽ khiến bóng nổ tung. Nếu với một người, đặc biệt học sinh mà mình cứ liên tục nhắc câu cố lên cố lên sẽ nguy hiểm bởi áp lực ngày càng lớn. Những cuộc tự tử chính là cách các em tự giải phóng khỏi những áp lực quá ngưỡng. Thay vì động viên bằng cách này, hãy ngồi lại, lắng nghe chia sẻ”. TS Hòa An cảnh báo.

Với cả thầy cô và học sinh, hai chủ thể làm nên trường học hạnh phúc theo TS Hòa An đều cần xuất phát từ nhận định chính xác những thành tố ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Kĩ năng được xem như thành tố đầu tiên. Tiếp theo là tính cách. Sức khỏe tinh thần là thành tố thứ 3. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, thành tố này cần được đặc biệt lưu ý với cả thầy và trò. Điều cuối cùng nằm ở mức độ khó của vấn đề, công việc phải hoàn thành.

Người thầy trung bình thì chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại là người truyền được cảm hứng. Và làm được điều này chỉ khi người thầy thực sự yêu công việc, vui vì được làm công việc này, hạnh phúc với công việc đã lựa chọn.

"Các thầy cô hãy động viên, khuyến khích các em nhiều hơn. Chắc chắn học sinh sẽ nhớ mãi về trường học hạnh phúc do thầy cô cùng các em tạo nên”, TS Đào Lê Hòa An nhắn gửi tới các thầy cô giáo.