Với đồng bào Mường, những ca từ mộc mạc, giai điệu dễ nhớ của điệu hát Ví, hát Rang không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đón Tết cổ truyền của dân tộc, được quây quần hát cho nhau nghe khiến nhiều người cảm thấy vui và hứng khởi.

Dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Đinh Công Cần (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vẫn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, sưu tầm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương. Ngay từ nhỏ ông đã được làm quen với hát Ví, hát Rang từ bố mẹ, ông bà. Sau hàng chục năm mày mò tìm hiểu, đến nay ông đã nắm vững và trình diễn xuất sắc cả trăm câu Ví, câu Rang cổ cùng những câu hát do ông tự ứng khẩu, sáng tác. Với vốn ngôn từ phong phú, khả năng ứng tác thiên phú, nhanh nhạy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng nhanh chóng có những câu hát mới phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn đằm thắm, mượt mà.

Hiện nay, có rất nhiều thanh thiếu niên không biết và không muốn biết về truyền thống, tập quán của cha ông mình. Do vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn mang tính thời sự cấp bách, nhằm góp phần và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó cũng là lý do để ông Cần và 1 số người cao tuổi trong xã thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Mường- Ông Cần cho biết.

Sinh ra và lớn lên ở xứ Mường nên bà Hà Thị Hợp luôn có tình yêu mãnh liệt với những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, khi xã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc bà hào hứng tham gia ngay. Bà Hợp tâm sự: dù cuộc sống hiện đại, những phong tục, tập quán văn hóa của dân tộc có thể bị mai một nhưng bà vẫn luôn ấp ủ ước mơ có thời gian và sức khỏe để tham gia lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Làm quen với điệu hát Ví, hát Rang từ khi còn nhỏ nhưng chỉ đến khi tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ bà Hà Thị Tròn mới có cơ hội được hát thường xuyên hơn. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, câu Ví, câu Rang đã làm bạn và giúp bà vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn luôn đam mê và mong muốn được tham gia câu lạc bộ. Bà chia sẻ: Câu lạc bộ có 14 người, trong đó có 8 người vừa hát vừa đâm ống, 2 người đánh phách. Cái khó của hát Ví là làm sao phát âm cho chuẩn tiếng người Mường, hát đúng nhịp, đúng phách. Trước kia bà cũng từng là cây văn nghệ của địa phương nhưng giờ có tuổi, giọng hát không còn được như xưa nhưng bà sẽ vẫn cố gắng tham gia đến khi không hát được nữa thì thôi.

Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các thành viên trong CLB phải tự trang bị phương tiện, thiết bị như nhạc cụ, âm ly, loa đài để phục vụ luyện tập và biểu diễn, song với bà Lê Thị Tình được tham gia và truyền dạy văn hóa dân tộc cho lớp trẻ là 1 niềm hạnh phúc. Sau 1 thời gian tham gia, đến nay những câu Ví, câu Rang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà.

Sau 2 năm thành lập, Câu lạc bộ không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ, là sân chơi lành mạnh sau những ngày lao động sản xuất vất vả, mà còn là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa Mường cổ. Nhờ đó, những giá trị ấy đến được với cộng đồng, giúp thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Em Bùi Diệu Linh cho biết: Hồi bé em thường được bà kể cho nghe những câu chuyện của người Mường: Sử thi đẻ đất đẻ nước, thằng Cuội… và hát ru, nhưng em vẫn chưa hiểu rõ lắm. Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, chúng em được nghe và học những câu chuyện cổ, những bài hát ru cả điệu ví, em cảm thấy tự hào vì mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Lê Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng, nhờ sự nhiệt tình và đam mê của những người cao tuổi, những năm qua, xã Văn Miếu trở thành 1 trong những địa phương dẫn đầu về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Việc ra đời câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống ở xã Văn Miếu là yếu tố quan trọng, giúp người Mường bảo tồn, lưu truyền được mạch nguồn văn hóa - tài sản quý báu của cha ông cho thế hệ mai sau./.