Trong khi cả nước ta đang gồng mình, dốc sức tác chiến cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 mong đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống cho nhân dân thì thời gian qua vẫn có những đối tượng coi thường kỷ cương, phép nước, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, trốn cách ly. Nhiều cán bộ ở cơ sở tham gia phòng, chống dịch bệnh còn là đối tượng bị tấn công của những người coi thường pháp luật.

Đến nhà tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trưởng thôn Tân Tiến (Bắc Giang) đã bị chủ nhà to tiếng và hành hung.

Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông D.V.B. (60 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn) về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo Nghị định 117. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang xem xét xử phạt 750.000 đồng đối với bà M. (vợ ông B.) về hành vi đánh nhau, quy định tại Nghị định 167.

Theo thông tin ban đầu, tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng thôn Tân Tiến (xã Tân Lập) đến nhà ông B. để tuyên truyền, vận động và cho gia đình cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại nhà. Tại đây, ông B. không chấp hành còn to tiếng với những thành viên của tổ công tác, tiếp đó bà M. đã lao vào đánh trưởng thôn, là người trong tổ công tác.

Con vi phạm quy định về phòng chống dịch, cha cầm gậy, chú cầm dao tấn công, chửi bới, lăng mạ tổ phòng chống dịch.

Vừa qua, công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hoàng (41 tuổi) và Nguyễn Văn Hiến (32 tuổi, trú tại thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa) để điều tra về tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, tổ công tác Công an xã Hoàng An tổ chức tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch. Trong quá trình tuần tra phát hiện Nguyễn Văn Hiệp (16 tuổi) đang có hành vi thả diều tại cánh đồng Chùa Tăng, thôn Bảo An, không chấp hành quyết định cách ly y tế tại nhà theo quyết định của chủ tịch UBND xã Hoàng An, không đeo khẩu trang nơi công cộng, thả diều gần đường điện làm mất an toàn hành lang lưới điện. Tổ công tác đã giải thích cho Hiệp biết các hành vi vi phạm và yêu cầu Hiệp thu diều, theo tổ công tác về trụ sở UBND xã để làm việc.

Khi đang trên đường về UBND xã Hoàng An, đến cổng nhà bà Nguyễn Thị Hương (bác ruột của Hiệp) thì Nguyễn Văn Hoàng (bố của Hiệp) đã cầm gậy từ dưới cánh đồng đuổi theo chửi bới, lăng mạ và tấn công tổ công tác. Cùng lúc đó Nguyễn Văn Hiến (cậu ruột của Hiệp) cầm dao phay từ trong nhà bà Hương chạy ra cũng tấn công tổ công tác.

Chém 2 người làm công tác phòng chống dịch phải đi cấp cứu chỉ vì được nhắc không tụ tập.

Công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cũng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Hoàng Văn Hoàn về hành vi " đánh người gây thương tích". Trước đó, Hoàn và một số thanh niên khác tụ tập ăn uống tại khu nhà trọ tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ. Khi được chủ nhà trọ và lực lượng dân quân tự vệ địa phương nhắc nhở, Hoàn đã cầm dao chém hai người này phải đưa đi cấp cứu...

Bực tức vì bị chặn xe lại để đo thân nhiệt lúc giữa khuya khi đang có rượu, hai đối tượng chạy về nhà xách dao ra chém thành viên chốt phòng, chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo Công an huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Lương Bá Đạt (21 tuổi, ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang) và Trần Thanh Điền (25 tuổi, ngụ xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để tiếp tục điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích".

Trước đó, khoảng 23h25 ngày 3/6, khi vừa uống rượu xong, Lương Bá Đạt chạy xe máy chở Trần Thanh Điền từ xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ qua địa bàn thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Khi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cầu 2 Sảnh thuộc thị trấn Núi Sập, cả hai được anh Trần Văn Đạo (là thành viên của chốt) đo kiểm tra thân nhiệt. Sau khi đo xong, cả hai lên xe đi. Đến khoảng 0h10 ngày 4/6, Đạt và Điền chở nhau quay lại chốt kiểm dịch, rồi cầm dao đến chém anh Đạo một nhát vào cánh tay. Chém xong, đối tượng chạy lên cầu quăng dao xuống sông rồi lên xe chạy đi

Vì sao lại có nhiều việc chống đối lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch?

Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc chống đối lực lượng làm công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học, Bộ Công an cho rằng:

“Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, do ý thức kém, cái tôi quá cao, sự bảo thủ, nhưng nguyên nhân sâu xa là do nhận thức còn hạn chế, ý thức trách nhiệm với cộng đồng thấp. Thứ hai là sự coi thường pháp luật và thứ ba là cái tôi và sự ích kỷ rất lớn, luôn nghĩ chỉ được việc của mình mà bất chấp quy định ràng buộc của pháp luật.”

Còn nhiều sự việc khác như là không chịu đi cách lý, không đeo khẩu trang,…, thậm chí là dùng vũ khí hành hung lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích:

“Đây là hành động sai trái, vi phạm quy định về phòng chống dịch, ẩn chứa nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Hành vi chống đối và tấn công lại các lực lượng chức năng phòng chống dịch thì không chỉ là coi thường chuẩn mực đạo đức mà còn phản ánh thái độ khinh nhờn pháp luật, sự xuống cấp về mặt đạo đức, nhân cách.

Với sự tuyên truyền mạnh của hệ thống truyền thông hiện nay thì không thể nói là những đối tượng này không nhận thức được mức độ và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. Nếu đổ cho dân trí thấp thì cũng không phải, đây chỉ là lý do khinh nhờn pháp luật, coi thường mối an nguy của cộng đồng, cái tôi cá nhân và sự ích kỉ lớn, chỉ biết được việc của mình. Họ sẵn sàng vượt lên những rằng buộc đó mà công khai đối chọi. Đây là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần thiết phải xử lý bằng chế tài hình sự.”

Không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch có thể bị xử lý hình sự

Vai trò, ý thức, trách nhiệm của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cho Việt Nam là một trong số ít quốc gia có biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và tích cực. Nhưng đâu đó vẫn còn những người bất chấp mà không tuân thủ quy định. Đối với việc không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc công ty luật Hoàng Sa cho biết:

“Rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật, theo quy định hiện hành thì việc không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid - 19 đã có nhiều chế tài xử lý trong đó có chế tài xử lý cả về hành chính và chế tài xử lý về hình sự.

Cụ thể người nào có những hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời về hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bênh truyền nhiễm nhóm A, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thứ hai là người nào không tuân thủ, cố tình chống đối lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch Covid thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc có thể bị xử lý về hành vi “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 BLHS 2015), bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.”

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp: Tại bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ; bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.”

Dịch bệnh trong hai năm qua đã gây tổn hại rất lớn đến nền kinh tế của cả nước mà trước hết tác động đến đời sống của mỗi người dân, mỗi gia đình. Ý thức của người dân chính là lá chắn trong công tác phòng chống dịch, nếu chỉ vì một người vài người thiếu ý thức là có thể gây hại cho cả cộng đồng.

Để ngăn chặn tình trạng nay, chuyện gia tâm lý tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng:

Cần phải nâng cao ý thức tuyên truyền cho người dân, để mọi người cùng tuân thủ, người phải chấp hành nghiêm chỉnh. Thứ hai là phải tăng cường hiệu quả của các tổ tuyên truyền công tác, các chốt kiểm soát. Tăng cường sức mạnh cho các tổ làm công tác phòng chống dịch bênh, sẵn sàng áp dụng các biện pháp chế tài mạnh đối với người có hành vi chống đối lại cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh và đưa ra xét xử ngay theo thủ tục rút gọn, bởi vì hành vi phạm tội quả tang chúng ta có thể ghi hình lại, sau đó các cơ quan tố tụng tại địa phương có thể lật hồ sơ và xử lý rất nhanh. Thông qua việc xét xử và tuyên những bản án nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm tạo sự răn đe, giáo dục chung đối với nhiều người, những người có ý định manh nha, có hành vi chống đối cũng sẽ cảm thấy sợ."