Cơn bão số 3 (Yagi) quét qua Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận đã gây ra hậu quả nặng nề. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật cấp 16 làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, hàng chục tàu thuyền bị chìm, hàng ngàn nhà cửa, cây xanh, trụ điện hư hỏng, bật gốc… hoàn lưu bão đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc với thiệt hại khá lớn.
Trước tình hình thiên tai, mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra ở nhiều địa phương, BHXH Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt với quan điểm xuyên suốt: Trong bất cứ tình huống nào, ngành BHXH cũng phải đảm bảo tốt nhất, nhanh nhất quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo quy định. Ngay từ trước bão số 3, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam đã chỉ đạo tới BHXH các tỉnh, thành phố luôn đảm bảo ứng trực 100%, chủ động lên các phương án và tập trung nguồn lực ứng phó, khắc phục bão để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) để quyền lợi KCB BHYT của người tham gia luôn được kịp thời, cải cách thuận tiện.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, trong những ngày vừa qua, bão số 3 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, công tác chuyên môn của ngành vẫn được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo không gián đoạn việc thụ hưởng quyền lợi, chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Để tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhất là khi thiệt hại của bão Yagi còn nặng nề, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố phải cử cán bộ trực tiếp có mặt tại các cơ sở KCB để giải quyết ngay các tình huống phát sinh đối với các trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đi KCB đảm bảo người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, KCB BHYT với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất. Tuyệt đối không để người dân không được KCB, chăm sóc sức khỏe do các gián đoạn về giao thông, hạ tầng, cơ sở vật chất,… sau bão, lũ nêu trên. Phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB trọng yếu, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục KCB của người bệnh như thẻ BHYT, giấy chuyển viện…để đảm bảo tất cả người bệnh được KCB ngay, kịp thời. Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet để cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống thì thực hiện trực tiếp. Ưu tiên KCB đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc bị tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng bão lũ gây ra. Để công tác KCB của người bệnh được kịp thời, BHXH các tỉnh, thành phố cần tạm ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, đảm bảo công tác KCB BHYT được thông suốt, tuyệt đối không để tình trạng cơ sở KCB thiếu kinh phí KCB BHYT./.