Theo báo cáo của BHXH tỉnh Bình Phước, tính đến hết tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh có 152.535 người tham gia BHXH, 134.447 người tham gia BH thất nghiệp, 821.998 người tham gia BHYT. Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đến việc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Trong đó, tính đến hết tháng 10, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 2.867 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch được giao. Cùng với đó số người tham gia BHXH tự nguyện đến tháng 10/2022 là 9.987 người, đạt 46,7% kế hoạch, ước tính đến hết tháng 12 là 17.100 người, đạt 80% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

BHXH tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu 2 tháng cuối năm, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và chương trình công tác trọng tâm năm 2022 của ngành BHXH Việt Nam giao. Đặc biệt, hoàn thành chỉ tiêu có 163.926 người tham gia BHXH đạt 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Ông Lăng Quang Vinh – Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cho biết: Khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực (KV) III, KV II, KV I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra đời đã tác động tới từng địa phương của tỉnh Bình Phước. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 81,3% dân số có thẻ BHYT. Tuy nhiên, BHXH tỉnh cam kết, từ nay đến cuối năm, trên 92% dân số có thẻ BHYT.

Khi Quyết định 861/2021 của Chính phủ ra đời, các xã khu vực 3, khu vực 2 đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực 1 và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực 3, khu vực 2 kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến BHYT của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng, gần 15% dân số trên địa bàn tỉnh không có thẻ BHYT. BHXH tỉnh đã báo cáo vấn đề này với UBND tỉnh và nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các ban, ngành đoàn thể cho tới các nhà hảo tâm. Mới đây nhất, để tháo gỡ khó khăn, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 09/11/2022 quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn. “Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm, tuy nhiên mục tiêu 92% dân số có BHYT sẽ hoàn thành” – ông Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Phước cũng cho rằng, số người tham gia BHXH tự nguyện trong tỉnh còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, kỳ vọng và lộ trình, một phần do việc tăng mức thu nhập theo chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng đã tác động rất lớn đến số người tham gia BHXH tự nguyện do mức đóng tăng gấp đôi so với năm 2021. Bên cạnh đó, địa bàn xa, dân cư sống phân tán không tập trung, người dân tộc thiểu số nhiều, tâm lý người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chỉ tham gia BHYT khi có bệnh nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Thanh Loan Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Phước cho biết: Xác định BHXH, BHYT là trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng nhằm chăm lo, bảo vệ cuộc sống người dân, Hội LHPN tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền và chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp tổ chức được hơn 3.800 cuộc tuyên truyền cho gần 300.000 lượt hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Thông qua các hoạt động truyền thông, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã hiểu bản chất, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, đồng thời tích cực vận động người thân, thành viên trong gia đình tham gia BHXH, BHYT. Hiện nay, cơ bản các gia đình hội viên đều có người tham gia BHXH, hoặc tham gia BHYT tự nguyện.

Ngoài tuyên truyền về các chính sách BHXH, BHYT, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để mua BHYT tự nguyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ năm 2020, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch thành lập mô hình điểm “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ BHYT - vì sức khỏe phụ nữ” từ đó nhân rộng trong những năm tiếp theo. Từ 13 mô hình điểm được thành lập năm 2020 đến nay, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 18 mô hình, với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên, hỗ trợ 1.354 thẻ BHYT, trị giá 1,089 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ khó khăn.

Qua hơn 3 năm triển khai xây dựng và nhân rộng, mô hình đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ khi ốm đau, bệnh tật, giúp chị em vượt qua khó khăn và góp phần tăng cường, giữ vững an sinh xã hội tại địa phương. Hơn nữa, mô hình còn làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên, phụ nữ về việc thực hành tiết kiệm mua BHYT, nâng cao ý thức và chủ động đi khám, chữa bệnh vì sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình cùng hướng tới mục tiêu tham gia BHYT toàn dân. Ngoài ra, thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các chương trình từ thiện, vì an sinh xã hội, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ, từ năm 2018 đến nay đã tặng hơn 2.000 thẻ BHYT trị giá 1,609 tỷ đồng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Theo ông Lăng Quang Vinh – Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, BHYT…. Chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã rà soát, cấp thẻ BHYT cho khoảng 77.000 người dân được hỗ trợ cấp thẻ BHYT theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. BHXH tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, BHXH tỉnh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân, tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia các chính sách BHXH, đồng thời đẩy mạnh tập trung chuyển đổi số./.