Pháp luật hiện không có sự hạn chế về độ tuổi đối với người được phép đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, điều này có nghĩa là mọi công dân đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình. Đối với những người chưa thành niên, thủ tục đứng tên do người đại diện xác lập và thông qua thủ tục người đại diện.

- Người chưa đủ 6 tuổi khi thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của mình.

- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập và thực hiện giao dịch dân sự cũng phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình xác lập và thực hiện một số giao dịch dân sự, trừ các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Pháp luật quy định phải thông qua người đại diện theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người chưa thành niên trong các giao dịch dân sự, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng của các giao dịch pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất.

Về việc người đại diện theo pháp luật đối với người chưa thành niên đứng tên trên tài sản, luật sư Cường cho biết: Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản đối với người được giám hộ như sau: Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Đặng Văn Cường tại đây: