Một trong 2 phương án được đưa ra trong dự thảo Luật BHXH là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH". Phương án này nhằm hạn chế người hưởng BHXH một lần, hướng tới mọi người lao động có lương hưu. Dù tới nay, các phương án đưa ra mới chỉ là “dự thảo”, nhưng có những người lao động tham gia BHXH sau khi nghỉ việc đã đi rút BHXH một lần nhằm để “chạy” luật.
Chị Phạm Thị Nở ở xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, công nhân Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam có gần 7 năm làm việc và đóng BHXH. Năm ngoái chị Nở nghỉ việc. Ở tuổi 34, nữ công nhân lo sẽ khó tìm được chỗ làm mới, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp may mặc trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng giảm đơn hàng, thắt chặt tuyển dụng. Mỗi ngày, chị đều nghe bạn bè, đồng nghiệp cũ nói về việc nếu không rút BHXH lúc này, tới năm 2025 Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi, chị và những người đã từng tham gia BHXH sẽ chỉ lấy được 50% số tiền hiện tại, vậy là chị quyết định tới BHXH huyện Tiên Phước để làm thủ tục rút BHXH một lần, dù cuộc sống chưa đến mức khó khăn phải sử dụng số tiền đó: Tuy không được mấy nhưng giờ em mới hơn 30, chờ đến 60 tuổi để hưởng lương hưu thì là quá lâu. Chẳng thà rút để dành cũng được chứ lỡ sau này không thể rút được - chị Phạm Thị Nở tâm sự.
Chị Huỳnh Thị Thanh ở xã Tân Giã, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, là công nhân công ty TNHH Vinh Gia cũng đến BHXH huyện Núi Thành làm thủ tục rút BHXH một lần vì lo sợ sẽ không được rút BHXH một lần khi chính sách về BHXH thay đổi.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Nam, 7 tháng đầu năm 2023 tổng số người nhận BHXH 1 lần hơn 11.380 người, tăng 914 người so với cùng kỳ năm 2022. Trước thực trạng rút BHXH một lần ngày càng tăng trong thời gian gần đây, BHXH tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cách nhằm tuyên truyền tới người lao động về những lợi ích của BHXH, tuy nhiên việc “giữ chân” người lao động tiếp tục tham gia BHXH là công việc khá gian nan với ngành BHXH lúc này. Ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam chia sẻ: hiện nay, số người tham gia BHXH mới ít hơn số người xin hưởng BHXH một lần. Các cán bộ BHXH khi tiếp nhận hồ sơ xin rút BHXH một lần của người lao động đều trực tiếp tư vấn, thuyết phục người lao động tiếp tục ở lại mạng lưới an sinh xã hội nhưng hầu như không thành công. Theo ông Danh, bên cạnh một số lao động thực sự cần tiền thì cũng không ít người, do tâm lý đám đông, lo sợ chính sách thay đổi nên đã đi rút BHXH một lần.