Bộ Quốc phòng đang cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng theo mẫu thẻ BHYT nào?

Hiện nay, BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT đối với thân nhân quân nhân; thân nhân người làm công tác cơ yếu hưởng lương (hoặc sinh hoạt phí) như đối với quân nhân thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng; thân nhân người làm công tác khác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; lao động hợp đồng do Bộ Quốc phòng quản lý; học sinh, sinh viên hệ dân sự đang học tại các trường quân đội, đang được áp dụng theo mẫu thẻ BHYT quy định tại Quyết định số 1313 ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Ngày 03/12/2020, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định số 1666 ban hành mẫu thẻ BHYT, theo đó, mẫu thẻ BHYT mới có kích thước nhỏ, gọn hơn mẫu thẻ hiện nay đang sử dụng, mã số thẻ chỉ in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đồng ý cho phép BHXH Bộ Quốc phòng sử dụng phôi thẻ mẫu cũ, khi nào in hết phôi thẻ mẫu cũ thì chuyển sang in thẻ mẫu mới đối với các đối tượng nêu trên, mọi thông tin in trên thẻ mẫu mới sẽ theo quy định của BHXH Việt Nam, điều chú ý ở đây là: Thẻ BHYT do Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng ký và đóng dấu của BHXH Bộ Quốc phòng (thay vì chữ ký và đóng dấu của BHXH Việt Nam do BHXH địa phương phát hành).

Trong thời gian sang nước ngoài theo chế độ phu nhân - phu quân thì việc đóng BHYT được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 143/2020/TT-BQP ngày 08/12/2020 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, thì: Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng trong thời gian sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại của cơ quan, tổ chức cử đi.

Như vậy, thời gian vợ/chồng quân nhân đi nước ngoài theo chế độ phu nhân/phu quân không phải đóng BHYT nhưng vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Thẻ BHYT hết hạn khi đang điều trị nội trú thì có được hưởng BHYT không?

Tại khoản 9 Điều 27 Nghị định số 146 ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định: Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở KCB nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Cơ sở KCB có trách nhiệm thông báo cho người bệnh và cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB để người bệnh tiếp tục tham gia BHYT, cơ quan BHXH thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ BHYT cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở KCB.

Như vậy, nếu quân nhân vẫn tiếp tục công tác và tham gia BHXH, BHYT thì liên hệ với cơ quan Tổ chức lao động của đơn vị để lập hồ sơ đề nghị BHXH Bộ Quốc phòng gia hạn thẻ theo quy định.

Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu của đối tượng là thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng, thân nhân người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban cơ yếu chính phủ, lao động hợp đồng, học sinh sinh viên được quy định như thế nào?

Khoản 1 Điều 26 Luật BHYT năm 2014 và Thông tư số 40 ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định: “Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương”. Trường hợp khác, theo quy định của Giám đốc Sở y tế sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng, thân nhân người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban cơ yếu chính phủ, lao động hợp đồng, học sinh sinh viên được đăng ký nơi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện và tương đương trở xuống, phù hợp với nơi sinh sống, cư trú của đối tượng.

Thời điểm đề nghị thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu

Hiện nay thẻ BHYT do BHXH BQP đã cấp cho các đối tượng là thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng, thân nhân người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, lao động hợp đồng, học sinh sinh viên, nếu hết hạn sử dụng mà vẫn thuộc đối tượng tham gia BHYT tại đơn vị thì sẽ được gia hạn giá trị sử dụng mà không phải in, cấp mới đồng loạt như trước đây. Khi ấy, BHXH BQP thực hiện gia hạn giá trị sử dụng trên hệ thống quản lý của BHXH BQP và chuyển dữ liệu về BHXH Việt Nam; trên thẻ BHYT chỉ in ngày bắt đầu có giá trị sử dụng (không in thời hạn đến ngày/tháng/năm nào).

Vì vậy người tham gia BHYT có trách nhiệm bảo quản, quản lý để sử dụng thẻ BHYT trong quá trình đi khám chữa bệnh BHYT; BHXH Bộ Quốc phòng chỉ in cấp lại thẻ trong các trường hợp do: bị mất, hỏng hoặc có thay đổi thông tin trên thẻ (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu).

Trong một số trường hợp phải cấp đổi, BHXH Bộ Quốc phòng chỉ thực hiện cấp đổi thẻ BHYT do thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu vào tháng đầu của mỗi quý: Tháng 1, Tháng 4, Tháng 7 và Tháng 10 cho thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng....

Riêng đối với thẻ BHYT của quân nhân thì thực hiện cấp đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào tất cả các ngày làm việc trong tuần./.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên chương trình với Đại tá Cao Đức Vinh - Trưởng phòng Thu - Sổ, thẻ - BHXH Bộ Quốc phòng tại đây: