Trao đổi của phóng viên VOV2 với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội:
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký - tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân lên tới 770 xe, thuộc diện cao nhất thế giới. Hà Nội hiện có 1,1 triệu ôtô và 6,9 triệu xe máy, ngoài ra còn có 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh có 7,5 triệu xe máy và 700.000 ôtô. Trong số các phương tiện cơ giới đang lưu hành trong cả nước, có tới hơn 50% là phương tiện sử dụng trên 10 năm.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch phát thải nhiều chất ô nhiễm, trong đó các chất chính là CO, HC, NOx và bụi, đặc biệt là bụi PM2,5 và bụi nano. Các chất ô nhiễm này có thể tác động tới môi trường: Làm suy giảm tầm nhìn, tạo ra ozon mặt đất, vv.. Sức khỏe con người (bao gồm cả người tham gia giao thông): Cấp tính (ví dụ: hô hấp, kích ứng mắt, màng nhầy) và cả mạn tính (ví dụ benzen có khả năng gây ưng thư). Ngoài ra còn gây tác hại khác tới: Kinh tế, nhà cửa, công trình xây dựng….
Mức phát thải các chất ô nhiễm của các sử dụng nhiên liệu hóa thạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng và tuổi phương tiện, chất lượng nhiên liệu, điều kiện đường sá vv.. và đặc biệt là tình trạng giao thông: càng tắc đường (tức là tốc độ TB thấp và tỷ trọng thời gian chạy ổn định ở tốc độ cao thấp) thì mức phát thải ô nhiễm càng lớn. “Hành vi tham gia giao thông cũng ảnh hưởng tới phát thải chất ô nhiễm. Điều khiển phương tiện chạy ổn định sẽ phát thải ô nhiễm thấp hơn kiểu chạy không ổn định, tức phóng nhanh phanh gấp” - PGS.TS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe ô tô, xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam. Dự thảo cũng đã quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Tại Điều 4 của dự thảo Quyết định quy định các mức quy chuẩn khí thải khác nhau mà xe ô tô tham gia giao thông phải đáp ứng tùy theo năm sản xuất để phù hợp với công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý khí thải của từng giai đoạn và cũng là yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải của xe ô tô khi tham gia giao thông. Đối với xe mô tô sản xuất trước 2008: Phải đáp ứng mức khí thải 1; sản xuất từ 2008 - 2016: Phải đáp ứng mức khí thải 2; sản xuất từ 2017 - 30/6/2026: Phải đáp ứng mức khí thải 3; sản xuất sau ngày 1/7/2026: Phải đáp ứng mức khí thải 4. Đối với xe gắn máy sản xuất trước 2016: Phải đáp ứng mức khí thải 1; sản xuất từ năm 2017 - 30/6/2027: Phải đáp ứng mức khí thải 2; sản xuất sau ngày 1/7/2027: Phải đáp ứng mức khí thải 4.
Dự thảo đưa ra thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông từ ngày 1/1/2027 trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; từ 1/1/2028 trên địa bàn 4 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế và từ 1/1/2030 trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận ô nhiễm bụi ở Hà Nội và cả thành phố Hồ Chí Minh đã được cảnh báo từ 25 năm rồi. Tuy nhiên, chưa thấy có nhiều dấu hiệu được cải thiện: “Cần phải hành động ngay trước khi quá muộn. Chính sách nào về bảo vệ môi trường cũng có thể gặp phải cản trở. Tuy nhiên, nếu muốn làm thì tìm giải pháp, còn không muốn làm thì tìm lý do” – Tiến sỹ Dũng nói.