TP. Hồ Chí Minh: Bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục gia tăng

Thông tin từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1 đến ngày 16/9, thành phố ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Riêng trong ngày 16/9, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hiện có 306 ca mắc mới.

Hiện có 1.258 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 732 ca là người lớn (có 18 ca phụ nữ mang thai), 526 ca trẻ em, 111 trường hợp SXH nặng đang được điều trị, 7 ca đang lọc máu. Đáng chú ý, tính đến nay, tại thành phố đã ghi nhận 21 trường hợp tử vong do SXH, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với dịch bệnh SXH, bệnh tay chân miệng trên địa bàn cũng đang tăng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 16/9, toàn thành phố ghi nhận 13.720 ca tay chân miệng, tăng 41% so với cùng kỳ 2021 và chưa có ca tử vong. Trước tình hình các dịch bệnh trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông phòng, chống SXH nhằm kéo giảm số ca mắc, tử vong. Sở Y tế cũng đề nghị người dân nâng cao tinh thần phòng, chống SXH bằng các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo.

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh theo từng tuần, hiện đang ở cao điểm của dịch

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ tháng 8 đến nay, thành phố ghi nhận 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Ba bệnh nhân này có địa chỉ tại quận Long Biên, huyện Đan Phượng và Thanh Trì. Theo Sở Y tế Hà Nội, 3 trường hợp đều được phát hiện bệnh muộn, đến viện muộn. Ngoài ra, các bệnh nhân có bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

"Từ tháng 8 đến nay, có khoảng 10 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong đó có một số ca ở Hà Nội", TS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết.

Đơn cử là trường hợp nữ bệnh nhân 42 tuổi, được chuyển đến bệnh viện này vào ngày thứ 6 khởi phát bệnh. Chị mắc tiểu đường, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà trước đó.

Khi được đưa vào viện, nữ bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy hô hấp. Dù được cấp cứu, điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hoá, kèm xuất huyết trong cơ, vô niệu hoàn toàn, sau đó tử vong.

Cộng dồn từ đầu năm, số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng lên khoảng 800 ca, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng tuần, Hà Nội nhận định hiện thành phố đang ở cao điểm dịch và sẽ tiếp tục tăng ca bệnh.