Trước đó, ngày 3/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, báo cáo trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 700 ca mắc đậu mùa khỉ. Như vậy chưa đầy một tuần sau, số ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng khoảng 300 trường hợp.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm?

Theo BS Dư Tuấn Quy – Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh- BV Nhi đồng 1- TP.Hồ Chí Minh, đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới mà là bệnh hiếm, được phát hiện năm 1958 trên những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ.

Năm 1970, bệnh được báo cáo đầu tiên ở Cộng hòa dân chủ Congo về trường hợp một bé trai 9 tuổi mắc đậu mùa khỉ, sau đó lan ra khu vực Tây phi và Trung phi. Sau đó, năm 2003 bệnh xuất hiện trở lại ở Châu Phi và Hoa kỳ.

BS Dư Tuấn Quy cho rằng, dựa vào những thông tin ban đầu về dịch đậu mùa khỉ trên thế giới thì bệnh không đến mức nguy hiểm. “Đường lây truyền chủ yếu của bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu qua đường tiếp xúc gần như bóng nước, vết thương, dịch tiết của giọt bắn hoặc vật dụng tiếp xúc của người bệnh bị nhiễm. Khác với bệnh Covid -19 hay các bệnh lây nhiễm qua đường tiếp xúc khác là giọt bắn bóng nước của người mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng, nó hay rơi xuống dưới đất rồi chìm xuống chứ không phải là những giọt bắn mà nó nhẹ và bay lơ lửng. Và bệnh chỉ lây khi đã xuất hiện các triệu chứng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tốc độ lây của bệnh đậu mùa khỉ không nhanh, không gây nguy hiểm” – BS Dư Tuấn Quy cho biết.

Trẻ em, phụ nữ mang thai và những người suy giảm miễn dịch, ví dụ như người bệnh ung thư, đang trong giai đoạn xạ trị, hóa trị, hay người đang dùng thuốc như HIV, hay mắc bệnh suy giảm miễn dịch kéo dài thì khi mắc bệnh triệu chứng sẽ nặng hơn.

Đặc điểm giống và khác nhau giữa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ có những đặc điểm giống và khác nhau. Giống nhau là cùng mang một loại virus đậu mùa nhưng khác dòng với nhau.

Cách lây nhiễm của hai bệnh này cũng khác nhau. Bệnh đậu mùa khỉ ngoài triệu chứng sốt, đau nhức cơ và mình mẩy thì phải có triệu chứng của bóng nước, bóng nước to và sưng, kèm theo đó là nổi hạch. Còn bệnh đậu mùa thì chỉ có triệu chứng là mụn nước.

Theo quan sát thì bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ hơn đậu mùa, bệnh thường biến mất sau khoảng 3 tuần và ít khi để lại sẹo. Còn bệnh đậu mùa có loại ác tính gây tử vong và để lại sẹo giỗ trên bề mặt nhiều.

Tiêm vaccine đậu mùa có ngăn ngừa được bệnh đậu mùa khỉ?

Năm 1980, cả thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Và đây là cơ sở để không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng tin rằng có thể kiểm soát được virus đậu mùa khỉ. Ths.Bs Nguyễn Thị Thu Trang – Trung tâm Phòng chống dịch, BV Bệnh Nhiệt đới TW – phân tích: “Bệnh đậu mùa khỉ và đậu mùa có tương đồng rất lớn. Vì vậy, theo dữ liệu của CDC Hoa Kỳ thì thấy rằng vaccine đậu mùa giúp bảo vệ 85% bệnh đậu mùa khỉ nên khi tiêm vaccine đậu mùa sẽ gián tiếp bảo vệ được bệnh đậu mùa khỉ”

Như vậy, vaccin vẫn là “vũ khí” chính để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Theo thông tin, rất nhiều quốc gia trong đó có Hàn Quốc đã dự trữ sẵn hàng triệu liều vaccine đậu mùa, sau khi nước này xếp đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp độ 2.

Ngoài ra, một số quốc gia đã bắt đầu cung cấp vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho những trường hợp tiếp xúc gần với những ca bệnh được xác nhận. Riêng Liên minh châu Âu, khối này đã quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng virus chống bệnh đậu mùa khỉ vốn đang lây lan tại nhiều nước trong châu lục.

Và nước ta cũng sẽ không thiếu vaccine khi cần thiết phải triển khai tiêm phòng. Vì thế, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, người dân cứ bình tĩnh, không nên tiêm phòng bừa bãi, đặc biệt là các vaccine không có nguồn gốc. Ths.Bs Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, với vaccine đậu mùa, thời gian miễn dịch thường kéo dài từ 3-5 năm còn sau đấy muốn sử dụng tiếp thì tiêm mũi nhắc lại. Hiện nay, ở vùng chưa có dịch thì vaccine chỉ khuyến cáo cho những đối tượng có nguy cơ cao, ví dụ như nhân viên y tế làm việc trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc với virus đậu mùa hoặc virus có liên quan. Còn khi bệnh dịch xảy ra thì tất cả đối tượng có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh, người bệnh bị mắc đậu mùa, các động vật hoang dã mà truyền bệnh thì đều nên cần phải tiêm vaccine.

Phòng đậu mùa khỉ như thế nào?

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện những người có dấu hiệu nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như: Cameroon, Trung Phi, Congo, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Nam Sudan... Riêng TP.HCM đã lên kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ với 3 mức độ.

Còn về phía người dân, BS Dư Tuấn Quy khuyến cáo, tuyệt đối tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết thương, cơ thể giọt bắn, đồ dùng của người bệnh. Thứ hai, tăng cường hơn nữa thói quen rửa tay, vệ sinh kỹ bằng xà phòng, bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi thì nên che miệng…

Khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt, nổi bóng nước kèm nổi hạch thì nên cách ly y tế và không nên tiếp xúc với trẻ em, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch. Sau đó, báo với cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời và tuyệt đối không nên quan hệ tình dục trong thời gian này.

Đại dịch Covid-19 đã cho cả thế giới một bài học lớn. Chính vì vậy, mặc dù các khuyến cáo về dịch tễ đến thời điểm này là hết sức lạc quan, nhưng sự chủ động, sẵn sàng luôn là cần thiết trong bất cứ dịch bệnh nào.