N.A. ở Vĩnh Phúc có tiền sử hay ra mồ hôi tay từ khi còn là học sinh. Khi xúc động, căng thẳng, mồ hôi tay có thể chảy thành giọt, khiến N.A. luôn ngần ngại, thiếu tự ti trong giao tiếp. Đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ chẩn đoán N.A. bị đổ mồ hôi tay độ 3.

Các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho N.A bằng phương pháp mổ nội soi ngực đốt hạch giao cảm. Ngay sau mổ, tay người bệnh đã hoàn toàn khô ráo và được xuất viện chỉ 1 ngày sau đó.

Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đổ mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.

Trong các loại tăng tiết mồ hôi thì loại phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi tiên phát (hyperhidrosis), có nghĩa là, các dây thần kinh chịu trách nhiệm khởi động các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động quá mức, dù không được kích hoạt bởi hoạt động thể chất hoặc tăng nhiệt độ. Nếu có nhiều căng thẳng, cơ thể stress hoặc bị kích động thì tình trạng tăng tiết mồ hôi càng trở nên nặng hơn. Tăng tiết mồ hôi tiên phát thường gây tăng mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân (tăng tiết mồ hôi tay chân) và đôi khi là ở cả mặt.

Một loại tăng tiết mồ hôi khác ít phổ biến hơn nhưng đang có xu hướng tăng đó là tăng tiết mồ hôi thứ phát. Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi do một tình trạng bệnh lý nào đó của cơ thể. Khác với tăng tiết mồ hôi nguyên phát các trường hợp thứ phát thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân.

Nếu bị tăng tiết mồ hôi, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.