Các chuyên gia đều đánh giá 30 ngày giãn cách xã hội vừa qua Hà Nội đã thực hiện đúng, trúng và kịp thời các giải pháp phòng dịch. Bằng chứng là trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 60 ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng điều quan trọng là số ca mắc trong cộng đồng đang giảm dần, trung bình khoảng 30 ca cộng đồng một ngày. Trong những ngày gần đây chỉ còn một vài ca.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng: kết quả này là chưa bền vững. Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là thành phố HCM và Bình Dương, nguy cơ các ca bệnh ở khu vực khác thâm nhập vào Hà Nội còn rất cao. Ngoài ra, hiện nay Hà Nội đang cử một số lượng lớn nhân viên y tế hỗ trợ các điểm nóng Covid-19, vậy nên, Hà Nội buộc phải giữ vững thành quả của 30 ngày giãn cách vừa qua.

Trên cơ sở đó, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách. Theo đó, cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cũng cho rằng, nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới - thời điểm cách nghỉ lễ 2/9 hơn một tuần, tâm lý chung của nhiều người là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, việc nhận định Hà Nội có nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội hay không cần phải theo dõi diễn biến dịch thêm một vài ngày nữa.

Cũng trên quan điểm cần phải giữ vững thành quả chống dịch có được trong thời gian vừa qua, BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh-Pôn khẳng định, Hà Nội đã thành công trong chiến dịch 30 ngày “phong thành” vừa qua. Nhưng giữ được thành quả này thì còn khó hơn. Theo ý kiến của ông, sau ngày 23/8, Hà Nội vẫn phải thực hiện giãn cách, có thể là theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố cần ban hành một số quy tắc xã hội để người dân tuân theo. Và bản thân người dân cũng cần có ý thức. Người dân bảo vệ mình không bị nhiễm bệnh chũng chính là giúp bảo vệ những người xung quanh, hoàn thành nghĩa vụ với cộng đồng”, bác sỹ Trần Văn Phúc nêu ý kiến.

Ngày 19/8, trong cuộc họp Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiên Dũng khẳng định, nguy cơ lây lan dịch bệnh của Hà Nội vẫn ở mức cao và khó lường. Việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết.

Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”.

Vì vậy, Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa.

Như vậy, có một điều chắc chắn là Hà Nội chưa thể trở về trạng thái “bình thường mới”. Vì tình hình dịch tại các tỉnh thành phía Nam còn rất phức tạp, nguy cơ vẫn rất cận kề. “Hà Nội cần nỗ lực, giữ được yên, làm việc với tinh thần cao nhất bảo vệ Thủ đô, sau đó sẽ có vai trò như “anh cả” chi viện cho các tỉnh thành khác, quét sạch dịch bệnh” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định cho việc Hà Nội chưa thể nới lỏng được.